Cước vận tải “phi mã” cùng giá xăng
Theo tính toán, cứ xăng tăng 1 thì cước taxi tăng 5 lần và dĩ nhiên thiệt thời sẽ đổ lên đầu người đi xe.
- Dầu tăng giá, ngư dân khó khăn
- Giá xăng tăng nhiều giảm ít là do khâu quản lý
- Người tiêu dùng nói về việc tăng giá xăng dầu
- Doanh nghiệp vận tải "méo mặt" vì giá xăng dầu
- Giá xăng tăng 1.100 đồng/lít từ 17h chiều 13/8
Đợt tăng giá xăng dầu chiều 13/8 tác động mạnh lên giá cước vận tải. Các doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh tăng giá cước với nhiều mức khác nhau. Chiều nay, một số hãng taxi đã tăng giá thêm từ 800 đến 1000 đồng/km.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tính toán, chỉ trong vòng 23 ngày, xăng dầu đã 3 lần điều chỉnh tăng giá. So với trước ngày 20/7, giá xăng đã tăng thêm 2.400 đồng/lít, tăng trên 10%, còn giá dầu đã tăng 1.650 đồng/lít, mức tăng trên 7%.
Với việc tăng giá xăng dầu ngày 13/8, chi phí nhiên liệu đã tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp vận tải, buộc họ phải tính toán tăng giá cước để bù chi phí.
Mai Linh là hãng taxi được dự báo là tăng giá cao nhất (Ảnh: internet) |
Chiều nay, đã có một số hãng taxi bắt đầu tăng giá, cao nhất có lẽ là Taxi Mai Linh với mức tăng từ 800 - 1000 đồng/km.
Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, 2 lần tăng giá xăng dầu trước đó, các hãng taxi hầu như giữ nguyên giá cước, song lần tăng giá ngày 13/8 đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp:
Cùng với taxi, các hãng vận tải khách đường dài cũng đang tính toán tăng giá cước trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Cổ phẩn Du lịch Thương mại Hùng Cúc, doanh nghiệp có hơn 20 đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Nghệ An cho biết, đang tính toán để tăng giá vận chuyển để bù cho xăng dầu.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp đang nghe ngóng tình hình giá xăng dầu trong thời giam tới để quyết định có điều chỉnh. Bởi mỗi lần tăng giá cước là phải làm lại nhiều thủ tục rườm rà.
Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng Giám đốc Công ty Thương Mại và Du lịch Nguyên Minh nói: “Chúng tôi ý thức được, việc tăng giá cước quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Thà mình có chính sách tiết kiệm bằng cách thức quản lý để làm sao đưa giá thành hợp lý thì khách hàng mới có thể sử dụng dịch vụ”.
Trả lời phóng viên VOV chiều nay xung quanh việc tăng giá cước vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, có lẽ cước taxi sẽ tăng nhiều nhất, vì taxi chạy bằng xăng. Song theo ông, doanh nghiệp chỉ nên tăng từ 300-500 đồng/km là vừa.
Xăng dầu tăng, tất yếu cước vận chuyển sẽ tăng. Người dân vốn đã quen với điệp khúc này. Tuy nhiên, thử làm một phép tính: Để chạy 100km, một taxi tiêu tốn khoảng 10 lít xăng. Sau 3 lần tăng giá đến 2.400 đồng/lít xăng thì hãng taxi chỉ phải trả thêm 24.000 đồng. Trong khi đó, họ đã thu thêm của hành khách 100.000 đồng cho quãng đường 100 km này. Nghĩa là cứ xăng tăng 1 thì cước taxi tăng 5 lần. Thiệt thòi dĩ nhiên là trăm thứ đổ lên đầu người đi xe.
Vì vậy, bên cạnh điều hành linh hoạt việc kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp vận tải, tránh tình trạng lợi dụng xăng dầu tăng giá để “té nước theo mưa”, tăng giá cước vận chuyển tùy tiện để móc túi khách hàng./.