Cuối năm 2013 xử lý được khoảng 105.000 tỷ đồng nợ xấu
(VOV) - Đây là mục tiêu phấn đấu xử lý nợ xấu đến cuối năm 2013 vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội về tín dụng, xử lý nợ xấu, chiều 14/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, cá tra, tôm...).
Cùng với đó, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng đã vay. Tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Về xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt. Khẩn trương đưa Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động để tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao (trên 3%). Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thành lập công ty quản lý tài sản của mình để xử lý nợ xấu. Đặc biệt, phấn đấu đến cuối năm, sẽ xử lý được khoảng 105.000 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cúng nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho thị trường bất động sản và tạo điều kiện nhà ở cho nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện hỗ trợ cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP với tổng số tiền dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội./.