Đa dạng nguồn vốn - giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó
VOV.VN - Để tiếp cận được nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đa dạng hoá nguồn vốn, cũng như tìm hiểu thêm về các sản phẩm như cho thuê tài chính, tài trợ cho cung ứng huy động vốn trên nền tảng công nghệ.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tình hình sức khoẻ của không ít doanh nghiệp rất khó khăn khi số rút khỏi thị trường có xu hướng tăng trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Do sức mua tiêu dùng sụt giảm cũng làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam nêu thực tế: “Sức chống chịu của doanh nghiệp hiện rất yếu, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng. Cộng đồng các hiệp hội doanh nghiệp, các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo cần hỗ trợ trong việc có thể tiếp cận được vay tín dụng một cách thuận lợi hơn, không yêu cầu có tài sản đảm bảo mà dùng đơn hàng đảm bảo để vay. Doanh nghiệp trong lúc khó khăn thế này, nợ nần chồng chất lấy đâu ra tài sản đảm bảo, khó thì chúng tôi mới đi vay”.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn là vấn đề thường trực, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có đến gần 60% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giải pháp tiền tệ và tài khóa đã ban hành, đấy mạnh giải ngân đầu tư công và đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách triệt để trong việc thực thi công vụ.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu một số giải pháp trước mắt: “Chúng ta có rất nhiều những Tổ chức tài chính phi ngân hàng, cho thuê tài chính, công ty tài chính tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân... Bây giờ phải củng cố để họ phát triển tốt hơn, bởi gánh nặng quá nhiều vào hệ thống ngân hàng cũng không thể được, đặc biệt đối với nguồn vốn trung dài hạn. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố và phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng. Cùng đó bản thân doanh nghiệp phải tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, đa dạng hoá nguồn vốn, phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn và phải quan tâm hơn đến kiểm soát rủi ro liên quan đến quản trị doanh nghiệp”.