Đã đến lúc nên tính chuyện dừng bán vàng bình ổn giá?
VOV.VN - Chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp để ngân hàng bán vàng trực tiếp cho dân chỉ làm tăng lượng cung trên thị trường ở một thời điểm nhất định. Khi lượng vàng cung ra thị trường được hấp thụ hết, "căn bệnh cũ" lại bắt đầu tái phát...
Thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Theo thông tin mới cập nhật hôm nay 14/6, NHNN thông báo giá bán vàng miếng trực tiếp 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 75,98 triệu đồng/lượng. Đồng thời, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Tại thị trường trong nước hôm nay, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng - 76,98 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC vẫn duy trì ở mức2 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 2.304,4 USD/oz (tương đương đương 70,68 triệu đồng/lượng), thấp hơn 6,3 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng SJC.
Như vậy, sau hơn một tuần mở bán vàng bình ổn giá, giá vàng SJC đã "hạ nhiệt" và khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới đã được thu hẹp về mức 6,3 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy giải pháp của NHNN đã bước đầu thành công.
Tuy vậy, tình trạng người dân chen chân xếp hàng mua vàng vẫn diễn ra tại nhiều điểm bán vàng của ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC. Nhiều người dân còn xếp hàng từ sáng sớm, thậm chí có người còn xin nghỉ việc cả ngày để đi mua vàng.
Có nên dừng bán vàng bình ổn giá?
Hiện cũng đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc NHNN thiếu vàng để bán. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
NHNN đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, NHNN cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.
Theo quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, NHNN không cần bình ổn giá vàng mà cần chấp nhận giá vàng lên xuống theo như quy luật thông thường của thị trường. "Đã đến lúc tính chuyện dừng bán vàng bình ổn giá", ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc của NHNN nên làm là không mua bán vàng, không bình ổn giá vàng, bỏ việc quản lý vàng miếng, đồng thời hạn chế tối đa việc kinh doanh và giao dịch vàng qua hệ thống ngân hàng thương mại. "Buông những thứ thuộc về thị trường và siết những thứ thuộc về ngân hàng", ông Đức nêu ý kiến.
Chuyên gia kinh tế lo ngại, giải pháp để ngân hàng bán vàng trực tiếp cho dân chỉ làm tăng lượng cung trên thị trường ở một thời điểm nhất định. Khi lượng vàng cung ra thị trường được hấp thụ hết, "căn bệnh cũ" lại bắt đầu tái phát, khiến giá vàng lại rơi vào một vòng luẩn quẩn.
Mua vàng đầu cơ lúc này hết sức rủi ro
Để giá vàng trong nước hạ nhiệt, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới là nhiệm vụ cấp thiết nhưng phải làm sao để ổn định thị trường mà không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Chỉ khi đó, chính sách bình ổn thị trường vàng mới thực sự phát huy hiệu quả.
Tại buổi làm việc giữa NHNN với các chuyên gia kinh tế về chính sách quản lý thị trường vàng, TS. Trương Văn Phước cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ, Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết, không chỉ điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng, ông Phước gợi ý.
Theo TS. Trương Văn Phước, tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán, nhưng người dân cần hết sức thận trọng khi mua vàng ở thời điểm hiện nay. "Nên mua ít, nếu mua nhiều vàng mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra", ông Phước cảnh báo.
NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng đảm bảo điều kiện. "Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất", ông Phước chia sẻ thêm.
Còn theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ và NHNN đã rất quyết tâm trong việc thực hiện giải pháp bình ổn thị trường vàng nhằm kéo giá vàng SJC sát với giá thế giới. NHNN bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước với giá dựa trên giá vàng quốc tế cộng chi phí và thuế phí thì giá vàng sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chưa rõ là giá vàng sẽ giảm bao nhiêu nhưng mốc 75 triệu đồng/lượng cũng là một phương án.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, xét về mục tiêu kéo giá vàng trong nước và thế giới sát nhau hơn thì những ngày qua đã phần nào đạt được, còn xét về bình ổn thị trường thì còn xem việc bán vàng của các ngân hàng kéo dài trong bao lâu.