Đà Nẵng chốt phương án di dời ga đường sắt
Sáng 15/3, đại diện tư vấn của Ngân hàng thế giới đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị.
Trong phạm vi nghiên cứu, đại diện Ngân hàng Thế giới tập trung 3 hướng để đánh giá sự phát triển tổng thể của thành phố Đà Nẵng từ góc độ vị trí của nhà ga hiện tại và nhà ga mới để tính toán tỷ lệ với nhà ga cũ và phát triển nhà ga mới tích hợp của sự phát triển chung của thành phố.
Qua phân tích 4 phương án mà Ban Quản lý dự án đường sắt (PMUR) thuộc Bộ GT-VT đã đưa ra trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới chú trọng phân tích phương án 1A. Đây là phù hợp nhất, hướng tuyến phù hợp với sự quy hoạch, hướng phát triển và có kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng trong tương lai.
Bên cạnh đó, nếu xây dựng theo phương án này, có thể tận dụng tối ưu tuyến đường sắt cũ, hành lang tuyến... để tái phát triển đô thị thông qua việc phát triển các phương tiện vận tải công cộng (BRT).
Ga Đà Nẵng |
Đối với vị trí nhà ga mới, sẽ tạo kết nối nhà ga mới với đô thị mới sẽ hình thành, tạo động lực thúc đẩy khu đô thị trung tâm phía Tây thành phố phát triển. Theo đại diện ngân hàn thế giới, việc di dời ga hiện trạng đến vị trí mới tại quận Liên Chiểu đem lại những lợi ích như: hạn chế xe tải, xe hạng nặng, giảm ùn tắc giao thông; tạo sự kết nối giao trong tương lai theo hướng quy hoạch của Chính phủ Việt Nam mà Bộ GT-VT đang triển khai.
Hiện Ngân hàng thế giới đã thông báo Dự án đến các nhà tài trợ và điều phối. Đồng thời, mong muốn UBND TP Đà Nẵng có thống nhất cao trong phương án để tháng 4 có đáp án và tháng 6 sẽ triển khai. Trong những kiến nghị, tư vấn của Ngân hàng thế giới cũng đề nghị tương lai thành phố Đà Nẵng di dời luôn bến xe hiện tại ra khỏi nội đô.
Về phía TP Đà Nẵng, đại diện các Sở GT-VT, sở Xây dựng cũng cơ bản thống nhất theo hướng tuyến 1A mà Ngân hàng Thế giới đưa ra vì đã phù hợp với quy hoạch chung của Đà Nẵng. Tuy nhiên, về tái phát triển tuyến đướng sắt cũ sau khi di dời nhà ga cũ, các Sở đề nghị tư vấn của Ngân hàng thế giới nên đưa ra được hành lang tuyến cụ thể để biết diện tích chừa ra bao nhiêu để sau đó để làm tuyến metro trên cao.
Bên cạnh đó, các Sở ngành chức năng cũng kiến nghị tư vấn nên hoàn chỉnh hơn phương án bằng việc kết nối nhà ga đường sắt mới đến sân bay quốc tế Đà Nẵng và vào Trung tâm thành phố, hướng đến kết nối các đầu mối giao thông quan trọng lại với nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, di dời ga đường sắt cũ và tái phát triển đô thị đang là dự án trọng tâm của Đà Nẵng. Ông Tuấn thống nhất 6 điểm và 8 vấn đề mà tư vấn đã đưa ra. Đây sẽ là tiền đề cho thành phố Đà Nẵng có cơ sở để báo cáo Bộ GT-VT triển khai các bước tiếp theo. Tại buổi làm việc, ông Tuấn cũng thông báo, cách đây vài ngày, sau buổi làm việc ngày 5/3 vừa qua, Bộ GT-VT cũng đã có văn bản chốt phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo phương án 1A.
Cụ thể, phạm vi triển khai dự án bao gồm ga Đà Nẵng và công trình liên quan từ Km 750+000 đến Km806+000. Ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai ga hành khách và hàng hóa. Ga hành khách mới có quy mô (giai đoạn I) 33ha, đặt tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; ga hàng hóa mới có quy mô 25ha, đặt tại phường Hòa Hiệp Nam (gần vị trí đường Nguyễn Tất Thành nối dài, nằm trong khu đô thị mới Golden Hills City).
Về hướng tuyến qua thành phố, được dự kiến về phía Tây và điểm chập với tuyến cũ ở phía Nam tại khu vực cầu Đỏ và phía Bắc thành phố là nối với hướng tuyến đường sắt qua hầm mới Hải Vân.
Như vậy, nội dung di dời ga Đà Nẵng theo Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam hoàn toàn phù hợp với điều chỉnh quy hoạch ngành đường sắt trong giai đoạn 2013-2020 tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. Dự kiến kinh phí cho các hạng mục (giai đoạn I), bao gồm xây dựng tuyến đường sắt mới dài 16km, xây mới ga khách Đà Nẵng, xây dựng 6 cầu vượt đường bộ (cầu Thanh Khê, cầu vượt quốc lộ 14B và 4 cầu vượt đường bộ) với tổng kinh phí xấp xỉ 7.000 tỷ đồng./. Vingroup muốn mua ga đường sắt Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn