Đà Nẵng “mất điểm” trong thu hút đầu tư

(VOV) - Những hạn chế về nguồn nhân lực khiến Đà Nẵng mất điểm trong việc lựa chọn điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thành phố Đà Nẵng có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm này, thành phố này cũng chỉ có 80 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 300 triệu USD. Con số này quá nhỏ so với hơn 1.600 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản tại Việt Nam.

Công nhân đang sản xuất tại nhà máy của Công TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng

Tính đến hết tháng 9 năm nay, thành phố Đà Nẵng có 80 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động, tập trung vào các lĩnh vực chế biến bột giấy, chế biến hải sản và nông sản, linh kiện điện tử, gia công phần mềm… So với các thành phố lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng vẫn còn ít.

Ông Iwama Shinichi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Daiwa Seiko Nhật Bản tại Đà Nẵng cho rằng: Thành phố Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về công nghiệp và du lịch. Những hạn chế về nguồn nhân lực khiến Đà Nẵng mất điểm trong việc lựa chọn điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản.

“Khi quyết định địa điểm đầu tư, môi trường đầu tư là yếu tố tiên quyết. Khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam bị hạn chế trong việc đưa ra chế độ ưu đãi đặc biệt thu hút nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp so với các nước trong khu vực. Đà Nẵng cần tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Iwama Shinichi nói.

Trong vài năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Thể hiện rõ nhất là công tác cải cách hành chính trong cấp phép, thu hút đầu tư. Đồng thời tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển, Khu công nghiệp... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, hiện chất lượng dịch vụ  tại cảng Tiên Sa còn kém, buộc doanh nghiệp phải đưa nguyên vật liệu ở nước ngoài đến bốc dỡ tại cảng Sài Gòn rồi vận chuyển về Đà Nẵng bằng đường bộ và đường sắt. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là nỗi lo của các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ cần những kỹ sư, công nhân, thợ lành nghề mà còn cần cả những người có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật. Trong khi đó, thông dịch viên giao tiếp được bằng tiếng Nhật ở đây rất hiếm.

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó Văn phòng Đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản cho rằng: Để khai thác được nguồn lực phải có một có một sự đột phá, phải đào tạo. Hướng dẫn viên tiếng Nhật còn rất thiếu và yếu”.

Định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành “Thành phố thông minh, thành phố môi trường” vào năm 2020, mà trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch – thương mại, công nghiệp công nghệ cao… khá tương đồng với năng lực của các nhà đầu tư Nhật Bản. Để đón đầu cơ hội này, thành phố Đà Nẵng chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao, khả năng giao tiếp tốt tiếng Nhật; nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng các khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản góp phần cải thiện môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào 5 định hướng, trên cơ sở đó để kêu gọi, duy trì và phát triển các nhà đầu tư Nhật Bản vào thành phố Đà Nẵng đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi xin cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, coi sự phát triển của các doanh nghiệp chính là sự phát triển của thành phố Đà Nẵng”.

Cải thiện môi trường đầu tư, Đà Nẵng sẽ thu hút hơn nữa các doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt – Nhật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên