Đại biểu Quốc hội nói về việc hỗ trợ lãi suất 3% cho ngư dân

VOV.VN -Lãi suất hỗ trợ ngư dân ở mức thấp lại được thế chấp chính thân tàu vay tới 90% vốn… nhưng thủ tục phải đơn giản.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã bàn về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020, trong đó có việc hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu sắt.

Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng nay (30/5), VOV.VN phỏng vấn Đại biểu Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung này. Ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định: “Hỗ trợ ngư dân bám biển rất quan trọng, ngoài sản xuất kinh doanh đảm bảo đời sống còn giữ gìn an ninh quốc phòng”.

PV: Theo ông, mức lãi suất 3% hỗ trợ ngư dân đã hợp lý hay chưa?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tất nhiên, với ngư dân thì vô cùng hợp lý, còn với Ngân hàng là chưa hợp lý. Vì nếu đúng về kinh doanh ngân hàng thì lãi suất huy động 6% mà cho vay 3% là lỗ. Nhưng vì nghề cá trên biển có tính quốc phòng an ninh nên Nhà nước phải có sự hỗ trợ. Phần chênh lệch ấy Nhà nước hỗ trợ không phải đưa tiền mặt mà đưa vào chi phí, giảm phần nộp của NH. Trước đây, các NH thay vì ghi vào phần chi phí là 6% thì phải nộp theo số này chẳng hạn là 10.000 đồng nhưng bây giờ chỉ tính 3% thì chỉ nộp 6.000-7.000 đồng thôi.

PV: Theo ông, có cần phải chọn cụ thể một số NH để tham gia chương trình này?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Các NH phải có lựa chọn, phải là NHTM lớn của Nhà nước như Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam. Trước khi làm phải có sự cam kết của Chính phủ. Ví dụ tôi giao cho anh làm và sẽ bù cho anh cái khác (nộp ngân sách giảm đi). Khi cho vay phải có bảo hiểm và được tính trong chi phí. Khi NH cho vay lĩnh vực này thì rủi ro nhiều. Ngoài thiên tai bão lũ thì vấn đề an ninh trên biển sẽ có nhiều rủi ro. Bảo hiểm khi có vấn đề sẽ thanh toán thì NH mới cho vay.

PV: Điểm mới của chương trình hỗ trợ này so với các chương trình hỗ trợ trước đây là gì, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Lãi suất thấp, hai năm đầu không trả lãi (ân hạn), được cho vay 90% số tài sản và được lấy chính tài sản đó làm thế chấp, không phải thế chấp nhà cửa nữa.

Gói này khá chặt chẽ, mà những NH có tiền đã xung phong làm việc này thì có tiềm lực về tín dụng, nguồn cung dồi dào, thanh khoản lớn thì có thể yên tâm cho vay dài hạn. Không phải như gói 30.000 tỷ của bất động sản. Quan trọng nhất là thủ tục thông thoáng, lãi suất thấp 3% (không phải NH quyết định mà Chính phủ quyết định) và cho phép được đưa vào chi phí. Cho mua bảo hiểm nên rủi ro ít. Đấy là những cái mới, cái thuận lợi khi triển khai chương trình này.

Tôi đã làm NH lâu năm rồi tôi biết cho vay đóng tàu thuyền rủi ro rất lớn. Nhưng nếu giải quyết được 3 vấn đề sau thì yên tâm: được trích bảo hiểm; lãi suất qui định được nhà nước công nhận thì chi phí ban đầu cho vay vào giá thành, toàn xã hội chịu; khi có tranh chấp trên biển làm tàu thuyền của họ chìm thì bảo hiểm phải thanh toán. Đây là những điểm để NH yên tâm cho vay. Tiền có rồi, chính sách rõ ràng rồi thì không vấn đề gì.

PV: Các DN ít muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, vậy giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Thiên tai nước ta rất nhiều. Mỗi cơn bão phá hỏng hàng chục tàu thuyền một lúc. Cho nên, bảo hiểm cho tàu đánh cá là rất lớn. Bảo hiểm chỗ này mà trong nước không làm được thì tái bảo hiểm. Tức là các nhà bảo hiểm nước ngoài cũng cần khách hàng thì sẽ “tái” cho anh. Các hãng bảo hiểm này lấy nguồn tài chính từ rất nhiều nơi trên thế giới để bù đắp cho 2-3 nơi bị bão .

Tất nhiên là khó, nhưng sẽ có. Riêng tàu thuyền nhà nước bắt buộc phải mua bảo hiểm và giao cho một số DN phải bảo hiểm cho ngư dân. Đây còn là mục tiêu chính trị chứ không phải kinh doanh đơn thuần.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hòa): Các nghiệp đoàn phải vào cuộc cùng ngư dân

Chủ trương hỗ trợ lãi suất 3% cho ngư dân đóng tàu sắt hết sức đúng đắn. Rút kinh nghiệm các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kể cả các chương trình trước đây như chương trình đánh bắt xa bờ tôi mong muốn Chính phủ giao cho từng bộ, ngành, địa phương một cách bài bản tránh trường hợp làm phong trào.

Bà con ngư dân được tàu sắt ra khơi là bước đầu tiên. Quan trọng hơn là tạo ra được các dịch vụ hậu cần nghề cá để quá trình bám biển được dài hơn và người dân có thể sơ chế, bán ngay trên biển, giảm chi phí bỏ ra. Lúc đó, người dân mới thấy là có lợi trong quá trình đánh bắt.

Để giải ngân hiệu quả thì các thủ tục cho vay phải gọn nhẹ. Theo Chính phủ, người dân có thể lấy thân tàu thế chấp, điều này thuận lợi cho dân nhưng chỉ sợ cách triển khai như gói 30.000 tỷ vừa qua thì người dân không tiếp cận được vốn.

Chắc chắn người dân khi tiếp cận với nguồn vốn này phải được các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội, đặc biệt là Hội nghề cá của các địa phương tư vấn, hướng dẫn, kể cả việc đóng tàu như thế nào, khi ra khơi ra sao… để hiệu quả đồng vốn bỏ ra, chính sách của Nhà nước thực sự có hiệu quả.

Ngư dân rất muốn có vốn để tăng công suất của tàu lên để đánh bắt xa bờ. Khi đó, ngư dân vừa khai thác vừa bám biển được. Vừa qua, người dân rất khó khăn trong chuyện đi ra, đi vào và các dịch vụ hầu cần nghề cá trên biển rất yếu. Khánh Hòa vẫn có truyền thống đóng tàu gỗ, cũng phải đầu tư tới 2-3 tỷ. Nếu được hỗ trợ chương trình này bà con sẵn sàng đóng tàu sắt để an toàn hơn trong quá trình đi đánh bắt ở các ngư trường xa./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên