Đắk Lắk hiện đại hoá nông nghiệp từ chuyển đổi số và cải cách hành chính
VOV.VN - Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và thực hiện cải cách thủ tục hành chính với quyết tâm đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với xu thế hiện đại hóa.
Năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk xếp thứ nhất trong nhóm các sở, ban ngành của tỉnh thực hiện tốt công tác chuyển đổi số. Nhiều ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cho công tác chuyên môn như: ứng dụng Quản lý nhân sự, ứng dụng Quản lý Tài chính - Kế toán, Hệ thống webgis về cơ sở dữ liệu chăn nuôi; Phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; Phần mềm quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã; Hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến; Hệ thống đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới … đã được áp dụng rộng rãi đem lại hiệu quả rõ rệt.
Trong công tác cải cách hành chính, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện 88 thủ tục hành chính, trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình gồm 31 thủ tục hành chính (chiếm 35,2%) và dịch vụ công trực tuyến một phần gồm 57 thủ tục hành chính (chiếm 64,8%). Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đem lại lợi ích rất lớn cho người dân và doanh nghiệp về chi phí, thời gian và hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, mặc dù đơn vị có nhiều năm dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số, nhưng công tác này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng chuyển đổi số được triển khai rộng rãi, đảm bảo tính liên thông và kết nối.
Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết: “Ngành nông nghiệp rất quan tâm và cho rằng cải cách hành chính và chuyển đổi số là cơ sở để phát triển ngành cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, nhà đầu tư phát triển. Từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh, dư địa đưa nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ có hiệu quả và bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo”.