Đăng ký và kê khai giá sữa: Ai sẽ được hưởng lợi?
VOV.VN - Ai sẽ được hưởng lợi khi quy định về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực vẫn đang là câu hỏi lớn.
Với nhiệm vụ được phân công quản lý giá sữa, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BCT quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/8/2017.
Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, đối tượng áp dụng Thông tư 08 là các thương nhân kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý giá. Thông tư 08 chỉ quy định về thực hiện đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Danh mục sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo quy định do Bộ Y tế ban hành.
Hội nghị hướng dẫn triển khai Thông tư 08. |
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng được thể hiện rõ khi Thông tư 08 có hiệu lực.
“So với trước đây, Thông tư 08 có khá nhiều sự đổi mới khi tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức kê khai theo đúng chế độ hạch toán kế toán hiện hành”, ông An nói đồng thời khẳng định, người tiêu dùng sẽ có được nhiều lợi ích, thậm chí cả về việc đảm bảo chất lượng sữa vì Bộ Công Thương quản lý cả việc công bố sản phẩm chất lượng cũng như khi cần thiết phải thu hồi sản phẩm. Hơn nữa, việc quản lý được thực hiện theo chuỗi, quản lý giá theo giá bán lẻ là một bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.
Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm sữa, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, Thông tư 08 đã được lấy ý kiến rộng rãi, được nhiều đơn vị tham gia phản biện trong một thời gian dài. Do vậy, việc ban hành và đi vào hoạt động thông tư này từ ngày 10/8 tới đây sẽ góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá sữa, nhất là đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
“Thông tư 08 có điểm đặc biệt là quy định về các hệ thống phân phối phải kê khai như thế nào. Doanh nghiệp khi nhập khẩu hay sản xuất sẽ có đăng ký giá với Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền cấp địa phương. Nếu thay đổi biên độ dưới 5% thì doanh nghiệp vẫn được chủ động quyền thay đổi nhưng phải thông báo với cơ quan nhà nước - điều này thể hiện quyền chủ động của doanh nghiệp”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, đối với hệ thống phân phối, Thông tư 08 có quy định về hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối bán lẻ. Ở đây cũng quy định từng vùng địa lý, từng địa bàn khác nhau nên doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nhân bán lẻ có thể kê khai giá với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đó. Nếu việc kê khai hợp lý, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thì sẽ đảm bảo được lợi ích của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng và ban hành Thông tư 08, với việc giới hạn trong phạm vi điều chỉnh tăng/giảm giá 5% để bảo đảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp, song, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phòng quản lý sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vẫn lo ngại, việc quản lý xuống các cấp khó thực hiện do có một khối lượng khổng lồ các sản phẩm sẽ phải áp dụng thực hiện chính sách này.
“Về mặt chủ trương là rất đúng nhưng để thực hiện vẫn còn một số vấn đề như khi nâng số lượng phải đăng ký nhiều, khả năng kiểm soát của hệ thống các cơ quan quản lý… Việc quản lý sẽ khó bởi số lượng đăng ký quá lớn nên rất dễ sẽ tạo ra sự quá tải cho hệ thống quản lý nhà nước”, ông Dũng nhận định.
PGS.TS. Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp Hội Sữa Việt Nam. |
“Ở Hải Dương có đến 1 vạn cửa hàng sữa, trong trường hợp họ không kê khai nhưng vẫn bán hàng và khi kê khai có 2 vấn đề: Một là văn thư của Sở Công Thương không nắm được đã copy dấu gửi lại; Hai là nếu xem xét để gửi lại thì Sở Công Thương thiếu người không làm hết. Vậy UBND cấp tỉnh thẩm tra giám sát việc kê khai giá đăng kí giá có cần phân công lại không hay chỉ phân công khi các Sở Công Thương đề nghị phân cấp cho UBND cấp huyện”, đại diện Sở Công Thương Hải Dương băn khoăn.
Bàn về việc đăng kí và kê khai giá sữa theo Thông tư 08, Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận, trách nhiệm của các Sở Công Thương địa phương sẽ rất nặng nề trong việc triển khai Thông tư 08.
Để đánh giá đúng, các Sở Công Thương phải phối hợp chặt chẽ với các sở ngành địa phương. Việc ban hành Thông tư 08 với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có chỉnh sửa phù hợp nhằm phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng./.
Chính thức có quy định về đăng kí kê khai giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi