Đánh bắt thua lỗ nhiều ngư dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu rao bán tàu
VOV.VN - Thời gian qua, đặc biệt từ năm 2022-2023, rất nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Bà Rịa – Vũng Tàu kêu bán tàu cá. Nguyên nhân là do giá xăng dầu, chi phí đánh bắt tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân thua lỗ, không dám vươn khơi.
Nhiều ngư dân rao bán tàu
Một ngày đầu tháng 4/2023, trong vai một người muốn mua tàu cá cũ, phóng viên VOV được giới thiệu đến gặp ông H. V. Đ. chủ 10 tàu cá, loại thân dài trên 15m ngụ ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo ông Đ, đội tàu của gia đình hành nghề lưới kéo, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hầu hết đội tàu phải nằm bờ. Mới đây, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa lại một số thiết bị hư hỏng để chuẩn bị cho chuyến biển mới. Do không có thuyền trưởng, lao động đi biển và giá nhiên liệu tăng cao nên ông Đ, đành cho 6 chiếc nằm bờ và đang kêu người mua với giá 2 tỷ/cặp tàu.
Khi chúng tôi đặt vấn đề mua 1 chiếc về làm du lịch thì ông Đ. không bán, nhưng nếu mua 3 cặp tàu, ông sẵn sàng giảm giá xuống 1,6 tỷ đồng/cặp. Mỗi cặp tàu trước đây, ông Đ đầu tư đóng mới giá từ 6-7 tỷ đồng. Giờ quyết định bán tháo chỉ để thu về được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
“Nếu mua một chiếc rất khó bán, nếu có thiện chí muốn mua thì phải trả giá chứ. Tôi nói bán giá như thế thì người mua phải xuống xem ghe đàng hoàng rồi trả giá chứ, có thể từ 1,1 tỷ đến 1,2 tỷ hay là 1,4 tỷ nếu được thì chốt giá. Quan trọng là mua cặp nào, tỷ 1,4 – 1,5 tỷ đồng hay thiện chí muốn bao nhiêu” - ông Đ. nói.
Theo ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tình trạng ngư dân tàu cá đánh bắt xa bờ gọi người mua phương tiện diễn ra từ nhiều năm qua, nhất là giai đoạn năm 2022-2023. Nguyên nhân do ngư trường cạn kiệt, giá nhiên liệu tăng, đánh bắt không hiệu quả, lao động đi biển khan hiếm… khiến nhiều tàu cá nằm bờ dài ngày, phương tiện hỏng hóc không còn khả năng ra khơi.
Cũng theo ông Phan Thạch, toàn xã có khoảng 290 hộ có tàu đánh bắt xa bờ, hiện có hơn 10 chủ tàu rao bán phương tiện, có người rao bán 4 phương tiện, có người rao bán cả đội tàu 10 phương tiện với giá từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
“Có rất nhiều tàu đánh bắt xa bờ (dài trên 15 mét) hành nghề giã cào rao bán. Có người kêu bán thì trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 (thời điểm 2020), có người kêu bán 2021, đến nay không ai mua. Do đậu bờ lâu năm bị hỏng hóc, người mua về chỉ để tháo ra bán ve chai, tàu nào máy còn hoạt động tốt thì mua về làm việc khác, khoảng mấy trăm triệu đồng cũng có” - ông Thạch nói.
Và những hệ luỵ
Theo UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng chủ ghe kêu bán phương tiện đang diễn ra ở các địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ.
Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, sang nhượng tàu cá là quyền lợi của ngư dân. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đổi chủ để xoá tên, số hiệu sẽ rất khó quản lý, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang cố gắng xoá thẻ vàng cảnh báo của Uỷ ban Châu Âu (EC).
“Thí dụ như ghe tàu bán cho ngư dân Bình Thuận, khi về tỉnh này họ đi đánh cá vi phạm thì trên đăng ký vẫn là tàu của Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính vì thế chúng tôi làm quyết liệt, phải cho sang tên chủ ghe. Bất kể địa phương nào, khi họ khai thác sai phạm, không đúng quy định thì tàu của tỉnh đó. Hiện có 1 số tàu của Bà Rịa – Vũng Tàu bán không thực hiện sang tên, đổi chủ mà khi chủ mới vi phạm thì vẫn là tàu của Bà Rịa – Vũng Tàu” - ông Hồng cho biết.
Còn theo UBND thành phố Vũng Tàu, địa phương có 14 tàu cá đánh bắt xa bờ không hoạt động, trong đó có 8 chiếc bán cho chủ tàu ở địa phương khác, 6 phương tiện còn lại bị hư thiết bị giám sát hành trình đang trong quá trình khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân chủ tàu cá bán phương tiện là do nhu cầu của ngư dân không còn. Thành phố đã lập danh sách số tàu đã bán, đề nghị ngành thuỷ sản xoá số các tàu cá đã sang nhượng.
“Thành phố có 8 phương tiện đánh bắt bán đi nơi khác, danh sách này đã được thông báo đến ngành thuỷ sản để yêu cầu xoá khỏi danh sách tàu cá của Vũng Tàu. Còn đối với số phương tiện không gắn thiết bị giám sát hành trình thì đã có địa chỉ cụ thể, giao cho UBND các phường quản lý và chịu trách nhiệm” - bà Hương nói.
Đánh bắt thua lỗ, nợ ngân hàng khiến ngư dân tự cứu mình bằng cách rao bán tàu. Việc kiểm soát tàu cá sau khi sang nhượng, về với chủ mới là cần phải làm. Bởi nếu không khai báo, xoá tên, số hiệu tàu… sẽ không thể kiểm soát, xử lý chủ tàu nếu xảy ra vi phạm trong quá trình khai thác trên biển./.