Đánh giá mức độ an toàn với Covid-19 tại 10.781 nhà máy, cơ sở sản xuất
VOV.VN - Quá trình xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19” đã xác định có 10.781 nhà máy, cơ sở sản xuất ở 22 tỉnh, thành phố được thực hiện đánh giá mức độ an toàn.
Về thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid – 19 giao Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhiệm vụ cung cấp dữ liệu để triển khai lập “Bản đồ chung sống an toàn với Covid - 19”.
Cục Công nghiệp thực hiện cung cấp dữ liệu về nhà máy, cơ sở sản xuất, Vụ Thị trường trong nước cung cấp dữ liệu về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành cung cấp dữ liệu về các nhà máy, cơ sở sản xuất. Trong đó, 22 tỉnh/thành phố với 10.781 nhà máy, cơ sở sản xuất đã được Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT tạo tài khoản để đăng nhập vào ứng dụng Bản đồ và thực hiện đánh giá mức độ an toàn.
Trong thời gian tới, sau khi Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT tạo tài khoản đăng nhập cho các nhà máy, cơ sở sản xuất của 41 tỉnh/thành phố còn lại, Bộ Công Thương sẽ cung cấp cho các Sở Công Thương để chuyển đến các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Để triển khai hiệu quả “Bản đồ chung sống an toàn với Covid – 19”, ngày 19/5/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình tập huấn hướng dẫn triển khai sử dụng Bản đồ chung sống an toàn với Covid – 19 với sự tham gia của các đơn vị Bộ Công Thương, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, Công ty CP Công nghệ DTT và Sở Công Thương 22 tỉnh/thành phố đã có tài khoản đăng nhập của các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tổ chức Chương trình tập huấn hướng dẫn triển khai sử dụng Bản đồ chung sống an toàn với Covid – 19 cho 41 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố còn lại, sau khi Bộ Y tế và Công ty CP Công nghệ DTT tạo tài khoản đăng nhập cho các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Liên quan đến việc đảm bảo hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp/tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất tại Việt Nam hiện đang ở các khu vực có dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương kiến nghị:
Thứ nhất là tăng cường kiểm tra về điều kiện an toàn phòng chống dịch covid-19 trong sản xuất tại các DN trong KCN, đặc biệt là các DN tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu và các DN CNHT cũng như các DN sản xuất công nghiệp khác để làm căn cứ xem xét quyết định cho các DN được duy trì sản xuất. Ưu tiên các DN, các tập đoàn lớn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu và mở cửa trở lại đối với các nhà máy công nghiệp có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Và kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch covid-19 phải tuân thủ đúng các biện pháp phòng chống dịch.
Thứ hai là trong từng nhà máy, cơ sở sản xuất phải thực hiện phân vùng/khu vực/bộ phận/phân xưởng sản xuất phải điều chỉnh, phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú của công nhân để đảm bảo nơi nào có ca nhiễm để đảm bảo khoanh vùng, lập tức xét nghiệm trong vòng 24 giờ, còn những bộ phận/khu vực khác thì vẫn tiếp tục duy trì sản xuất khi đủ điều kiện an toàn./.
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ở trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ bùng phát trở lại. Thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động xây dựng các phương án chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thuộc phạm vi của cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Thứ ba, Ban cán sự đảng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 481/QĐ-BCT ngày 13/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19 nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và xử lý các tác động, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ban cán sự đảng giao Văn phòng Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt của tất cả mọi người vào trụ sở cơ quan Bộ làm việc; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình diễn biến của dịch bệnh để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ nắm thông tin, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và các Quyết định, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương để bảo đảm thực hiện triệt để việc phòng, chống dịch ở nơi làm việc, nơi cư trú và trong cộng đồng, đồng thời bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh trong toàn ngành./.