Đánh thức tiềm năng kinh tế biển từ hạt nhân Khu kinh tế Chu Lai
VOV.VN - Sở hữu chiều dài bờ biển 125km, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng để làm giàu từ biển. Địa phương này đã huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển.
Cùng với phát triển du lịch biển, vận tải đường biển, tỉnh Quảng Nam tập trung phát huy tiềm lực công nghiệp ven biển với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành địa phương giàu mạnh về biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến nhiều tàu cá vẫn nằm bờ vì chủ tàu sợ thua lỗ. Trong lúc này, ngư dân Nguyễn Văn Bé, ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vẫn quyết tâm vươn khơi. Tàu cá QNa 90839 TS với công suất trên 420 CV của ông Bé vừa đóng mới từ nguồn vốn vay 2 tỷ đồng với lãi suất 0%, thời hạn 6 năm của Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam. Con tàu mới đóng cùng với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu kể từ ngày 11/7 khiến ngư dân Nguyễn Văn Bé tự tin vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa.
“Trước mắt tôi thấy Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ nên cũng cương quyết vươn khơi đi làm ăn lại để ổn định cuộc sống cho 47 lao động. Ngoài ra phải đi làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam” - ngư dân Nguyễn Văn Bé chia sẻ.
Huyện Núi Thành có chiều dài bờ biển gần 40 km, hiện có 2 cảng biển lớn nhất tỉnh Quảng Nam là Cảng Chu Lai và Cảng Kỳ Hà, 2 cửa biển An Hòa và Cửa Lở. Núi Thành hiện có hơn 1.900 tàu thuyền, với hơn 9.000 lao động tham gia đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Nguyễn Văn Mau, Phó Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết, địa phương luôn xác định kinh tế biển là hướng phát triển mũi nhọn: “Từ các dự án về vận tải biển, cảng biển, hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá, rồi khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá và các giải pháp phát triển ngành thủy sản là các nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Núi Thành đặt ra để quan tâm đầu tư hơn nữa, phát triển kinh tế biển”.
Huyện Núi Thành là cửa ngõ phía Nam tỉnh Quảng Nam, nằm trên Quốc lộ 1A, Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đường ven biển Võ Chí Công, giáp với Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây được quy hoạch trở thành trung tâm logistic của tỉnh Quảng Nam, dựa trên hệ thống sân bay, cảng biển và bệ phóng từ Khu Kinh tế mở Chu Lai, 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương, lập đề án xã hội hóa đầu tư luồng cửa Lở cho tàu 5 vạn DWT, quy hoạch trung tâm logistic container và đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai... tại huyện Núi Thành.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong tương lai không xa, vùng đất này sẽ trở thành trung tâm logistic của khu vực miền Trung và cả nước, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
“Dịch vụ logistic của Chu Lai hiện nay chưa xứng tầm bởi vì chưa có một cảng nước sâu, chưa có một khu hậu cần cảng đủ tầm. Nếu làm tốt hệ thống luồng, hệ thống kho bãi, hệ thống dịch vụ thu hút các luồng hàng và chủ động trong tổ chức các chân hàng của Tập đoàn Trường Hải thì Chu Lai chắc chắn sẽ trở thành trung tâm phát triển cảng lớn của khu vực miền Trung” - ông Lê Trí Thanh nói.
Tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch nhằm khớp nối quy hoạch với các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung, trong đó chú trọng quy hoạch ngành, khu kinh tế, dịch vụ ven biển. Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế biển tại tỉnh Quảng Nam nói riêng khu vực miền Trung nói chung còn khá mờ nhạt, chủ yếu dựa vào du lịch và vận tải đường biển chứ chưa phát triển xứng tầm về công nghiệp biển, đây là con đường mà nhiều nước trên thế giới lựa chọn để tiến ra biển.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, địa phương cần tăng cường mối liên kết giữa phía Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch và phía Nam Quảng Nam với Khu công nghiệp Chu Lai. Khu vực ở giữa là một dải ven biển rộng lớn với tiềm năng phát triển chuỗi đô thị du lịch và khu kinh tế ven biển cần được mở rộng không gian phát triển dựa trên quy hoạch chiến lược và xu thế phát triển bền vững.
“Cảng Kỳ Hà hiện nay đã tạo lập được hậu phương công nghiệp, hậu phương kinh tế. Logistic tại đây nếu định hình được thì sẽ là trung tâm cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, một nút then chốt của chuỗi nông sản, tức là mở cả một không gian phát triển, lôi kéo cả lôi kéo cả khu vực Tây Nguyên và Campuchia, Lào vào đây” - ông Trần Đình Thiên cho biết them.
Đưa kinh tế biển và vùng ven biển, đảo trở thành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển kinh tế của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Quảng Nam cần phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển mạnh về kinh tế biển theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành để kinh tế biển là trụ đỡ.
“Làm sao phải phát huy nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng để Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp phát triển và mạnh về kinh tế biển. Câu chuyện về quy hoạch không gian biển đảm bảo có tiền đề, điều kiện và cơ sở pháp lý đẻ khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ kinh tế biển” - ông Trần Tuấn Anh nói./.