Đặt mục tiêu đưa cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa vào khai thác trong năm 2027
VOV.VN - Đắk Lắk đặt mục tiêu lập xong báo cáo tác động môi trường trước ngày 12/11, đảm bảo khởi công trước 30/6/2023, cơ bản hoàn thành tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2027.
Chiều 6/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp với các sở ngành, đơn vị và địa phương liên quan để đẩy nhanh triển khai dự án Cao tốc Buôn Ma Thuột- Khánh Hòa, nhằm đảm bảo dự án đạt tiến độ theo đúng nghị quyết 89/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ.
Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa có chiều dài 117,5 km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng. Trong đó, phần chạy qua địa phận Đăk Lăk có chiều dài khoảng 85 km, thuộc dự án thành phần 3, do BQL D.A đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Theo Nghị quyết 89/2022 của Chính phủ, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án thành phần này, phải được hoàn thành trước ngày 31/10/2022, bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023.
Theo ông Phan Xuân Bách, phó giám đốc phụ trách BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cùng với 85 km cần giải phóng mặt bằng, tỉnh cần bố trí tái định cư cho hơn 300 hộ dân. Kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mà ban quản lý thực hiện cho thấy, khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư, luôn ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Việc giải phóng mặt bằng trên suốt gần 85 km cũng đang xuất hiện một số thách thức.
Ông Phan Xuân Bách nói: "Các trung tâm phát triển quỹ đất đang có những lấn cấn trong triển khai thực hiện. Công tác chuẩn bị, đo đạc bản đồ địa chính, trích lục bản đồ, hầu hết là phải đo chụp lại. Bởi vì số liệu trước đó là đo đạc từ năm 2009, bây giờ có biến động rất là lớn".
Trước những khó khăn xuất hiện trong khâu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho Dự án Cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa, ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Lắk cho rằng, chủ đầu tư và các huyện liên quan phải bóc tách tài liệu, ra trích lục, sớm ra thông báo thu hồi các diện tích đã có đủ căn cứ pháp lý. Đồng thời phối hợp xử lý các diện tích có sai lệch về thông tin.
Ông Nhuận cho rằng, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án cũng có thuận lợi là các huyện có cao tốc đi qua, đều đã ban hành kế hoạch sử dụng đất: "Cao tốc đi qua Đắk Lắk 85 km thì 53 km đã có bản đồ rồi, nhưng từ 2009 nên có biến động rất lớn, còn 31 km thì có thể sử dụng ngay được. Vậy thì đoạn nào có thể làm được trích lục thì làm ngay trong tháng 10. Vậy tháng 11 có thể thông báo thu hồi được rồi. Kế hoạch sử dụng đất đã có, giờ công khai kế hoạch sử dụng đất là có thể thông báo thu hồi đất được".
Sau khi lắng nghe các ý kiến nêu tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk đã phân công cụ thể cho các sở, ngành đơn vị liên quan và 3 huyện có cao tốc đi qua, thực hiện công việc theo chức năng nhiệm vụ trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, tái định cư, tài nguyên môi trường, chọn lựa nhà thầu, chuyển đổi rừng, di dời hạ tầng lưới điện… Hàng tháng, các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải có báo cáo UBND tỉnh về các vướng mắc gặp phải.
Mục tiêu là lập xong báo cáo tác động môi trường trước ngày 12/11, đảm bảo khởi công trước 30/6/2023, cơ bản hoàn thành tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2027./.