Đấu thầu tập trung: "Gỡ vướng" tình trạng thiếu thuốc, tiết kiệm 1.300 tỷ đồng
VOV.VN - Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.
Đáng chú ý, số danh mục thuốc trúng thầu đều là các thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn như kháng sinh, điều trị tim mạch, ung thư, tiêu hóa, tiểu đường... với số tiền tiết kiệm lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.
Dù số thuốc trúng thầu đa dạng và đạt số lượng lớn, song qua đợt đấu thầu tập trung quốc gia này, các nhà thầu và cơ quan quản lý đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác này.
Từ 72 nhà thầu tham gia đấu thầu tập trung Quốc gia, đã có 39 nhà thầu trúng các gói thầu số 1, 2, 3 cung ứng thuốc cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Đáng chú ý, các thuốc dự thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn, đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương, được sản xuất tại các nước châu Âu như Pháp, Áo, Đức, Italia, Romani, Tây Ban Nha... và Việt Nam.
Theo kết quả đấu thầu tập trung thuốc quốc gia được công bố, giá thuốc trúng thầu hầu hết đều giảm so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trong năm trước, với tỷ lệ giảm giá trung bình là 17,25% (tương đương với 1.337 tỷ đồng).
Ông Trần Thọ Thành, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 cho biết, sau khi có kết quả trúng thầu, ký hợp đồng, Công ty sẽ cung ứng thuốc sớm nhất đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, theo ông Trần Thọ Thành, hiện kế hoạch sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế để đấu thầu chưa sát với thực tế khiến các nhà thầu phải chịu thiệt hại.
“Việc xây dựng kế hoạch chưa sát, có nơi chỉ sử dụng 50%, gây thiệt hại cho nhà thầu, nó cũng là thiệt hại cho nền kinh tế mà cho cả người bệnh. Tất cả số thuốc không sử dụng hết nhà thầu phải chịu, điều đó không công bằng. Nhà thầu không cung ứng được mặt hàng bị xử phạt, có thể bị trừ bảo lãnh hợp đồng nhưng khi các đơn vị không sử dụng thì không có một ràng buộc trách nhiệm nào. Chúng tôi mong có cơ chế chính sách để cả 2 bên đều có trách nhiệm trong sử dụng thuốc điều trị cho nhân dân” - ông Trần Thọ Thành nói.
Là đơn vị trúng 2 gói thầu cung ứng thuốc cho miền Bắc và Tây Nguyên với tổng giá trị hơn 190 tỷ đồng, Công ty Thương mại và dịch vụ Thăng Long đã làm việc với các nhà cung ứng, nhà sản xuất thuốc để làm sao có được số lượng thuốc đấu thầu lớn nhất với mức giá thấp nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại và dịch vụ Thăng Long cho rằng, việc đấu thầu thuốc tập trung không chỉ Việt Nam mà các nước Thái Lan, Trung Quốc đang thực hiện hiệu quả, giúp tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, thực tế đấu thầu tập trung tại nước ta cũng cho thấy chỉ những nhà thầu lớn, có quy mô mới có cơ hội đấu thầu.
“Đối với doanh nghiệp Việt Nam quy mô chưa lớn mà chúng ta đang đấu thầu thuốc là nhóm 1, 2 phần lớn nhập khẩu, rất ít nhà sản xuất trong nước đáp ứng được nên đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ làm việc đối tác quốc tế không đơn giản, phải là doanh nghiệp có tầm cỡ quy mô lớn, để đàm phán được số lượng lớn, giá tốt không đơn giản. Dần dần như vậy các doanh nghiệp trong nước sẽ lớn được lên, còn nếu vẫn duy trì đầu thấu cấp địa phương, cơ sở thì quy mô chỉ nhỏ” - ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Với tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,52% (tương đương với 1.337 tỷ đồng) đây là lần đầu tiên Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia tổ chức đấu thầu các thuốc có số lượng sử dụng lớn tại tất cả các tuyến cơ sở khám, chữa bệnh (thuốc kháng sinh, thuốc tiêu hóa, tim mạch) thuộc Danh mục kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BYT.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho rằng, nguồn nhân lực mỏng cùng nhiều biến động của ngành thời gian qua khiến việc rà soát số lượng nhu cầu thuốc của tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc mất nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn này đang được tháo gỡ để giải quyết tình trạng thiếu thuốc sớm nhất cho người bệnh.
“Đối với các cơ sở y tế chúng tôi sẽ rà soát trên cơ sở năm trước thực tế sử dụng thế nào, việc thanh toán ra sao để cân nhắc lượng thuốc mời thầu vào năm kế hoạch. Trong quá trình thực hiện có báo cáo hàng quý cơ sở y tế để thúc đẩy quá trình thực hiện hợp đồng, đối với nhà thầu báo cáo hàng tháng. Thứ hai, các nhà thầu được yêu cầu phải có dự trù thuốc theo tháng, cho nên có những nhà thầu có tỷ lệ sử dụng trên 95% so với nhu cầu ban đầu chúng tôi đã mời thầu, còn lượng sử dụng ít cũng chỉ rất ít” - bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói.
Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Đàm phán giá, Bộ Y tế đang tích cực tiến hành đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, có giá trị trên 100 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Trong tháng 7 vừa qua, Hội đồng Đàm phán giá thuốc đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc, với giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 22,8%.
Trong tháng 8 này, Hội đồng tiếp tục đàm phán đối với các thuốc biệt dược gốc còn lại để sớm có các loại thuốc đặc trị cho người bệnh./.