Đầu tư công - vốn "mồi" góp phần tạo nên tăng trưởng 2020
VOV.VN - Chưa có năm nào câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công trở nên quan trọng như năm 2020, vì đây là nguồn vốn góp phần tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế.
Năm 2020 là năm kết thúc Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, cũng là Kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tiên được lập theo Luật Đầu tư công năm 2014. Trong khi đó, chúng ta phải hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2020 và đầu tư công trung hạn 2016-2020 trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, để tạo tiền đề tốt cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.
Do đó, đầu tư công năm nay có sự khác biệt rất lớn so với các năm trước, là từ nguồn vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù đã có nhiều giải pháp thúc giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 10 triệu tỉ đồng, bằng 33,5% GDP, trong đó vốn đầu tư công là 1 triệu tỷ đồng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ 10%, nhưng vốn đầu tư công được coi là nguồn vốn “mồi” quan trọng, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư xã hội tham gia vào phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu tư công càng là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Do đó, hầu hết cả Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đều quyết tâm thực hiện và giải ngân tốt vốn đầu tư công.
Ngay từ đầu năm nay, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: “Trong 5 năm tổng đầu tư công của Hà Nội là 107.000 tỷ đồng, thì 4 năm đã giải ngân khoảng 70.000 tỷ, số còn lại năm 2020 là khoảng 40.000 tỷ đồng, và qua rà soát dù ngân sách có thể là giảm mức 30.000 - 33.000 tỷ đồng, thành ủy, thành phố quyết tâm không cắt giảm đầu tư công. Giải ngân 40.000 tỷ đồng đây là vốn mồi rất quan trọng nhất là các công trình cấp bách về an sinh xã hội và công trình thiết yếu của thủ đô và cũng là vốn mồi cho các FDI và các thành phần kinh tế khác”.
Quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công từ đầu năm của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương, đã góp phần ổn định tâm lý của doanh nghiệp trong khó khăn của dịch bệnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận: “Đầu tư công sẽ tạo nên cơ hội đầu tư, cơ hội công ăn việc làm cho các doanh nghiệp và tạo ra sức cầu của nền kinh tế. Và quan trọng nhất là sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp sau này. Nếu để tận dụng được cơ hội của dòng chảy thương mại đầu tư đang đảo chiều của sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu, thì Việt Nam phải được chuẩn bị tốt về thể chế, chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng. Do đó, gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng tương đương với 30 tỷ USD, đấy là một cú huých rất quan trọng”.
Theo kế hoạch đầu năm 2020, 700.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công năm nay gấp hơn 2 lần số vốn thực giải ngân trong năm ngoái. Tính chung 11 tháng năm nay, vốn đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch năm đã được điều chỉnh. Tuy tỷ lệ giải ngân xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, nhưng về giá trị tuyệt đối thực hiện lại là cao hơn gấp đôi. Điều đó cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực hơn nhiều năm trước, góp phần hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn và tạo tiền đề cho phát triển trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá: “Ảnh hưởng của dịch làm cho tình trạng kinh tế đang bị đình trệ, đặc biệt khi đình trệ lớn nhất là làm giảm cầu. Đẩy nhanh đầu tư công là một giải pháp hết sức cần thiết, trước mắt nó kích cầu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động sản xuất doanh nghiệp để đáp ứng những nhu cầu cho hoạt động đầu tư công, tạo sự lan tỏa cho các doanh nghiệp”.
Không chỉ đóng vai trò kích cầu trong ngắn hạn, nguồn vốn đầu tư công hướng vào những công trình hạ tầng quan trọng của quốc gia. Đặc biệt năm nay, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác đầu tư công – tư, đã được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công hoặc tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư công. Điều này đảm bảo nhịp độ phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời “hậu Covid”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đầu tư công, những dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn, nếu tập trung giải ngân được và thực hiện được thì nó tăng nhu cầu nội địa cho trước mắt và tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Để nhìn rõ hơn khó khăn của nền kinh tế do dịch Covid-19 và vai trò của vốn đầu tư công năm nay, có thể điểm lại một vài con số. Đó là 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt hơn 850.000 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách đạt mức cao nhất trong giai đoạn 5 năm qua. Cụ thể, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 20%, cao gấp đôi đến gấp 3 lần so với cùng kỳ các năm trước.
Đặc biệt, tốc độ tăng vốn đầu tư công tháng 6 năm nay đạt tới 28%, cho thấy kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau khi hết đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4. Đà tăng tốc này tiếp tục được duy trì với mức giải ngân đầu tư công tháng 11 đạt gần 55.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, và là mức cao nhất trong giai đoạn 10 năm 2011-2020.
Thúc đẩy đầu tư công đã trở thành biện pháp quan trọng góp phần ổn định kinh tế và tạo nên tăng trưởng 2020. Đây là kết quả cần ghi nhận đối với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ cũng như các bộ ngành và địa phương về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm nay./.