Đầu tư gần 500 tỷ đồng xây dựng cống ngăn mặn lớn thứ hai ĐBSCL
VOV.VN - Khi hoàn thành, cống sẽ có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường phục vụ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất hàng chục nghìn hộ dân ở tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.
Ngày 5/11, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để triển khai thi công Dự án xây cống đầu kênh Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang). Đây là công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt có quy mô lớn đứng hàng thứ 2 khu vực ĐBSCL.
Cống ngăn mặn đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, thuộc Dự án thành phần số 1 của Dự án công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 10 làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 460 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Công trình được triển khai thi công tại địa bàn xã Song Thuận và xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cách sông Tiền 420m. Công trình sẽ hoàn thành trong 18 tháng với phần cống có kết cấu bằng bê tông cốt thép chiều rộng thông nước 40 mét; cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực, cao trình ngưỡng cống -5,5m.
Đặc biệt, phần âu thuyền có kết cấu bằng bê tông cốt thép rộng thông nước 12 mét; cửa van bằng thép, cao trình ngưỡng âu -5,5 mét. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động.
Đây là công trình kiểm soát nguồn nước có quy mô lớn thứ 2 vùng ĐBSCL (sau Cái Lớn - Cái Bé), riêng mặt ngang cửa cống rộng tương đương với cống Cái Lớn- Cái Bé. Công trình khi vận hành với khoảng thông thuyền lớn nên các phương tiện thủy có trọng tải trên dưới 1.000 tấn vẫn có thể lưu thông bình thường.
Cống đầu kênh Nguyễn Tấn Thành hoàn thành sẽ có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường phục vụ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất cho hàng chục nghìn hộ dân ở tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.
Công trình sẽ chính thức khởi công vào ngày 11/11 tới, do Liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (TiCCO Tiền Giang); Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C; Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276; Công ty CP Máy và Thiết bị Thuỷ lực; Công ty CP Cơ khí và Thiết bị An Hưng.
Ông Hà Đức Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự và Đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, công trình thi công theo hợp đồng là 24 tháng, nhưng liên danh Nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ rút ngắn lại thời gian chỉ còn 20 tháng, tháng 7/2024 sẽ hoàn thành đưa vào vận hành. Khi công trình thi công sớm nên tỉnh Tiền Giang không phải xây đập tạm như hàng năm, tiết kiệm gần 20 tỷ đồng./.