Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam còn tự phát?
VOV.VN-Theo Bộ Công Thương, hiện chưa cơ quan nào được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ chế pháp lý... đầu tư ở các nước.
Theo Bộ Công Thương, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó có cả từ phía quản lý nhà nước.
Thể chế chính sách chậm so với thực tế
Biểu hiện của sự bất cập, theo Bộ Công Thương, mặc dù có sự hoàn thiện dần về hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Nhưng thể chế chính sách chưa thực sự hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế, do đó chưa phát huy tác động một cách mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Nhà đầu tư Việt Nam đầu tư trồng cao su ở Campuchia |
Hơn nữa, quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn nhiều bất cập từ khâu quản lý tiền đầu tư đến khâu hậu kiểm. Trong khâu quản lý việc triển khai thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa có sự phân định rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ quản lý ngành, địa phương nơi nhà đầu tư đăng ký kinh doanh hoặc thường trú.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, trong khi lại chưa có các chế tài xử lý việc nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo. Do đó, công tác quản lý các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa thực hiện có hiệu quả do thiếu thông tin về chính sách đầu tư của các thị trường tiềm năng.
Đáng chú ý, các cơ quan đại diện của Nhà nước ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, cơ quan Thương vụ chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nhiều nước không nắm rõ được số lượng các dự án, các khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư, trong khi đó các nhà đầu tư cũng không chủ động gặp gỡ, báo cáo tình hình hoạt động của dự án.
Về điểm này, Bộ Công Thương cho rằng, “đây là nguyên nhân căn bản làm cho các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ hoặc xung đột với nhau khi giải quyết những khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước sở tại”.
Đầu tư ra nước ngoài còn tự phát
Mặc dù đánh giá thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, thể hiện khá rõ nét qua sự đa dạng về thị trường, về ngành đầu tư, về quy mô, hình thức đầu tư, về các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2013 đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng; nông, lâm, thủy sản chế biến; công nghiệp điện.
Về địa bàn đầu tư, chủ yếu tại Lào, Campuchia, Nga và các nước khu vực Châu Phi, Châu Mỹ, Australia, Mỹ, Singapore, Nhật Bản… với tổng số là 59 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, việc thu thập các thông tin về môi trường đầu tư ở nước ngoài chưa được coi trọng, đặc biệt công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, chưa cơ quan nào được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ chế pháp lý, đặc điểm môi trường đầu tư, và cơ hội đầu tư ở các nước.
Dẫn kinh nghiệm một số nước, Bộ Công Thương cho biết, chính phủ thường thành lập cơ quan có vai trò hỗ trợ về xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (như JETRO của Nhật Bản, hoặc KOTRA của Hàn Quốc) để giúp các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài.
Nhờ đó, các cơ quan phi chính phủ, hiệp hội các doanh nghiệp, sau khi nhận được danh mục các cơ hội đầu tư ở nước ngoài, tổ chức cho các doanh nghiệp đi tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước ngoài.
Còn ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ tập trung thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa được chú trọng.
Đây là một trong những nguyên nhân căn bản, theo Bộ Công Thương, nó khiến hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn thiếu bài bản. Vì vậy, việc triển khai dự án đầu tư chậm còn vì chủ đầu tư thiếu vốn, tìm hiểu môi trường đầu tư chưa kỹ lưỡng, nên gặp nhiều khó khăn và chậm tiến độ trong triển khai thực hiện dự án sau cấp phép.
Phát huy vai trò cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài
Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013, đã chỉ rõ: Là đơn vị đang có phần lớn số lượng và giá trị các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, ngành công thương cần đẩy mạnh công tác quản lý ngành và hỗ trợ phát triển hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong đó, vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đối với hoạt động này cần được đặt ra và quan tâm đúng mực.
“Các cơ quan thương vụ là đại diện của ngành công thương tại nước ngoài, cần nắm bắt thông tin doanh nghiệp, đưa ra giải pháp và tư vấn chính sách hỗ trợ và phát triển cho ngành. Đồng thời, phổ biến chính sách, môi trường đầu tư, kinh nghiệm, thông tin thị trường, địa bàn hoạt động cho doanh nghiệp”.
Đặc biệt, các cơ quan thương vụ cần có các hoạt động kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài trở thành cộng đồng để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, liên kết, mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh và đưa ra các kiến nghị cần thiết với chính quyền nước sở tại nhằm hỗ trợ cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại đây.
Tuy nhiên, hiện nay, quy định pháp lý về nhiệm vụ của Thương vụ trong việc giúp lãnh đạo Bộ quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của ngành công thương chưa được đề cập rõ nét. Chính vì vậy, để hoàn thành những trọng trách này, cũng cần phải xây dựng cơ chế và sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan để hỗ trợ cho các cơ quan thương vụ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.