Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Phi
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án "Phát huy khả năng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Phi".
Châu Phi bao gồm 54 quốc gia với dân số trên 1 tỷ người, nằm trên diện tích 30 triệu km2 (là châu lục lớn thứ 3 thế giới), nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn (kim cương, cobalt, vàng, mangan và photphat, uranium, crom, đồng và boxit, dầu mỏ, khí đốt...).
Châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh trao đổi thương mại do sức mua lớn và có nhu cầu nhập khẩu cao. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia tại châu lục này còn nằm trong nhóm các nước chậm phát triển, luật lệ cùng với cơ chế và chính sách kinh doanh còn đang trong quá trình tiếp tục được hình thành, không ít nội dung có quy định phức tạp, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, thông tin liên lạc còn hạn chế... nên nảy sinh một số khó khăn nhất định, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn e ngại khi giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác và xâm nhập thị trường này.
Để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Châu Phi, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ với Châu Phi giai đoạn 2008-2010.
Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Chương trình của Chính phủ, trong đó tập trung vào lĩnh vực mở rộng trao đổi thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang khu vực này.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới giao dịch, làm ăn với các đối tác và thị trường Châu Phi.
Mặc dù vậy, với một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai phá như Châu Phi và trước những hạn chế, khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp vẫn còn chưa quan tâm đúng mức trong hoạt động kinh doanh thực tế đối với thị trường này.
Trong giai đoạn 2011-2015 tới đây, để hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Châu Phi, tiến tới nâng dần tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam thông qua việc tranh thủ khai thác tiềm năng nhập khẩu của thị trường này, cần tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách nói chung của nhà nước nhằm kết hợp hài hoà giữa đội ngũ các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm tới việc bán hàng vào thị trường Châu Phi.
Một mặt, tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, cần lựa chọn, xây dựng hệ thống một số các doanh nghiệp lớn, bao gồm một số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp có năng lực để tạo thành những đầu mối xuất khẩu chủ lực, chuyên trách đối với một số mặt hàng trọng điểm và tập trung vào một số thị trường trọng điểm tại Châu Phi.
Đối với những doanh nghiệp này, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng để phát huy lợi thế vốn có của các doanh nghiệp và coi đây như những "mũi nhọn" trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá vào Châu Phi.
Việc lựa chọn các doanh nghiệp này không nhằm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mà nhằm mục đích góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hoá xét trên bình diện tổng thể thị trường Châu Phi nói chung cũng như hỗ trợ và tận dụng thế mạnh đặc thù của một số doanh nghiệp nói riêng.
Bộ Công Thương lựa chọn và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án xuất phát từ tình hình thực tế và căn cứ hoạt động thực tiễn của thị trường Châu Phi, năng lực kinh doanh và phù hợp với sự quan tâm của doanh nghiệp trong chiến lược xâm nhập thị trường Châu Phi./.