Đẩy nhanh các dự án trong điểm, dự án cấp bách sử dụng vốn đầu tư công ở Hà Nội
VOV.VN - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4681/QĐ-UBND về việc giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 vốn ngân sách của Thành phố với tổng nguồn vốn 304.799,654 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố là 218.962,654 tỷ đồng; cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Tổng mức vốn đầu tư trung hạn cấp thành phố được phân bổ cho việc thu hồi vốn ứng trước ngân sách Trung ương, vốn nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán dự án hoàn thành, hoàn trả vốn đối ứng quỹ phát triển đất, hoàn trả các quận đã ứng trước,…; bố trí vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố (gồm cả ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện các dự án lĩnh vực an ninh và trật tự xã hội, quốc phòng); bố trí vốn cho các dự án thực hiện từ nguồn huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân; ngân sách thành phố hỗ trợ cho cấp huyện thực hiện dự án thuộc các chương trình, đề án.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND thành phố…
Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư của nền kinh tế để bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công trong kỳ kế hoạch.
Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội lớn trên địa bàn; tập trung triển khai quyết liệt thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao trung hạn và hằng năm các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND thành phố quyết nghị, đặc biệt là dự án trọng điểm; nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng đề xuất chủ trương đầu tư dàn trải, dự kiến tổng mức đầu tư thiếu chính xác; tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát kế hoạch.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng phương án triển khai kế hoạch đầu tư hằng năm phù hợp với kịch bản thu ngân sách trên địa bàn; thực hiện phân bổ hằng năm theo đúng quy định của Luật Đầu tư công (trong đó, mức dự phòng khoảng 5-7% trong tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm), hạn chế tối đa việc ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, tham mưu lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án trong điểm, dự án cấp bách, bức xúc dân sinh cần đẩy nhanh tiến độ để tập trung chỉ đạo; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn của thành phố và đề xuất bố trí vốn theo tiến độ của dự án./.