Đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN: Có khả quan?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm..., việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN cho thấy nhiều vấn đề đáng bàn.
Theo dự kiến, ngày 10 và 11/12, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào BIDV và dự kiến cuối tháng này sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sự kiện BIDV bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng - bước đầu tiên của quá trình cổ phần hóa (CPH) ngân hàng quốc doanh cuối cùng này - đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ông Trần Bắc Hà cho biết, theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ nắm giữ dự kiến của cổ đông Nhà nước tại BIDV sẽ là 78% tổng số vốn điều lệ của ngân hàng (28.251,4 tỷ đồng). BIDV sẽ phát hành 1% cổ phần cho cán bộ, nhân viên, 3% cho công đoàn và IPO là 3%; 15% còn lại sẽ được BIDV bán cho đối tác chiến lược nước ngoài dưới sự tư vấn, giúp đỡ của Công ty tư vấn Morgan Stanley.
Nhiều doanh nghiệp đang "nghe ngóng" diễn biến của thị trường chứng khoán để chớp thời cơ, tiến hành cổ phần hóa |
Ông Trần Bắc Hà cho rằng, dù lúc này là thời điểm không mấy thuận lợi khi thị trường chứng khoán giảm sút, nhưng BIDV quyết tâm thực hiện CPH để thực hiện một bước tái cấu trúc ngân hàng này theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3.
Mặc dù ông Trần Bắc Hà lạc quan thông báo đã có 42 nhà đầu tư nước ngoài thông qua Morgan Stanley tỏ ý quan tâm đến BIDV, nhưng cũng không ít chuyên gia trong ngành nhận định, có 2 cái khó trong việc thực hiện CPH, đó là: định giá doanh nghiệp (DN) và tìm được đối tác chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Đổi mới và Phát triển DN thừa nhận một thực tế: “Thị trường ở thời điểm này vẫn đang khó khăn. BIDV cũng nằm trong hoàn cảnh như vậy, quá trình làm lâu, chuẩn bị khá công phu, Thường trực Chính phủ làm nhiều lần mới quyết định cổ phần BIDV ở thời điểm này. Tôi xin nhấn mạnh là gần đây chúng ta đưa bán cổ phần lần đầu cho những DN qui mô lớn, như Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam thành công, nhưng cũng có những trường hợp không thành công”.
Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp, Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT nêu: “Trước đây, từ năm 1991 - 2010, chúng ta sắp xếp được trên 4.000 DN, nhưng toàn quy mô nhỏ. Từ năm nay, chủ yếu cỡ tập đoàn và Tổng công ty. Tham vọng là đưa những DN này hoạt động tốt hơn. Loại nào cần giữ 100% vốn, loại nào bán công khai. Nhưng chúng ta chưa có hướng dẫn. Mà chúng ta còn nợ phương pháp xác định giá trị thị trường, giá trị địa lý và giá trị thương hiệu”.
Đúng như ông Phạm Viết Muôn nói, không chỉ BIDV mà bất kỳ vụ IPO sắp tới nào cũng sẽ phải “đương đầu” với không ít thách thức, như bất ổn kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá và tâm lý sợ rủi ro tăng cao của giới đầu tư…
Hiện còn khoảng 1.309 DNNN. Theo tiêu chí hiện nay, chúng ta chỉ giữ lại chừng 700 DNNN giữ 100% vốn. Còn khoảng 630 DN còn lại sẽ phải cố gắng CPH xong vào năm 2015. Có một câu hỏi được đặt ra là, việc đẩy mạnh CPH trong lúc thị trường chứng khoán gặp khó khăn liệu có hợp lý? Có thể sẽ có đáp án cho câu hỏi này khi phải chớp thời cơ nhanh chóng cơ cấu lại DN hiệu quả và bền vững hơn… Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3, thì việc đẩy nhanh CPH lại là cần thiết và có lợi cho dài hạn". Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Đổi mới và Phát triển DN. |
Trong khi đó, mặc dù có kế hoạch CPH từ năm 2005, song một “ông lớn” khác là Mobi Fone cho đến thời điểm này vẫn bắn tín hiệu cho thấy, khó có thể CPH ngay trong năm nay vì nhiều lý do. Hay ngay từ năm 2006, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettet đã được chấp nhận CPH nhưng giờ đây cũng gặp những cái vướng nhất định nên khó có thể CPH sớm. Còn ngay tháng 10 vừa rồi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết tiến độ CPH các nhà máy điện thuộc tập đoàn đang bị chậm vì không đòi được khoản nợ hơn 10.000 tỷ đồng tiền bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tâm lý chờ đợi, thậm chí là không sẵn sàng mua cổ phần của các DN không xử lý được nợ.
Về phía DN thuộc diện phải CPH, xuất hiện tâm lý chung là “án binh bất động”, nghe ngóng diễn biến của thị trường chứng khoán để chớp thời cơ tiến hành CPH. Thêm nữa, phần lớn cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Ngay trên sàn, nhiều cổ phiếu được bán dưới mệnh giá. Do đó, nhà đầu tư sẽ không mặn mà với các DN sắp IPO, trừ những DN có sức hấp dẫn lớn như Petrolimex hoặc có thể là BIDV trong những ngày tới./.