Đẩy nhanh lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
(VOV) - Theo lộ trình, đến năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh, nhưng có thể thị trường này sẽ có sớm hơn.
Đây là một trong các nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội (ngày 12/11). Báo cáo đề cập lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Theo đó, trong lĩnh vực phát điện, đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong lĩnh vực phân phối, hiện nay các đơn vị thuộc EVN bán lẻ cho hơn 80% số hộ sử dụng, còn lại do các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã đảm nhiệm. Theo Luật Điện lực, riêng lĩnh vực truyền tải điện nhà nước vẫn độc quyền. Theo lộ trình, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức hoạt động từ 01 tháng 7 năm 2012; đến năm 2015 sẽ thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh; đến năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh. Hiện nay, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Đối với xăng dầu, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã quy định doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước nếu đủ điều kiện về vốn, kho bãi, hệ thống phân phối thì đều có thể đăng ký trở thành doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu. Hiện nay, trên thị trường đã có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Nhưng trên thực tế, thị phần của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các doanh nghiệp đầu mối khác.
Việc quản lý và khai thác than phần lớn được giao cho Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành than, giá than bán cho nhu cầu tiêu thụ (trừ bán cho sản xuất điện) hiện nay đã thực hiện theo cơ chế thị trường.
Đối với vật tư nông nghiệp, hiện nay trên thị trường, các doanh nghiệp tự do cạnh tranh sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải quản lý và kiểm soát tốt hơn chất lượng, giá cả và việc nhập khẩu giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi.../.