Đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung-Việt

Với việc xây dựng ba khu hành lang kinh tế: Đông Hưng-Móng Cái, Bằng Tường- Đồng Đăng và Hà Khẩu-Lào Cai, hợp tác biên giới Việt-Trung về cơ bản đã chín muồi.

Đây là khẳng định của ông Đàm Phi Sáng, Bí thư Thị uỷ thị xã Bằng Tường (Trung Quốc), trong Diễn đàn đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế, du lịch xuyên biên giới Trung-Việt vừa diễn ra chiều 18/10 tại thị xã Bằng Tường thuộc thành phố cấp địa khu Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc).

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo thị xã Bằng Tường, Trung Quốc và tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam cùng đại diện sở công thương và thương mại của hai địa phương trên và nhiều các chuyên gia kinh tế khác. Diễn đàn nhằm đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế (du lịch) xuyên biên giới Trung-Việt, tiến bước nâng cao trình độ mở cửa vùng biên giới và xây dựng Bằng Tường trở thành thành phố cửa khẩu kinh tế mang tính khu vực hợp tác mở cửa hướng tới ASEAN.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đàm Phi Sáng cho biết, Bằng Tường chiếm 20% giá trị hợp tác thương mại và 70% giá trị tổng kim ngạch biên mậu của toàn tỉnh Quảng Tây, điều này cho thấy việc thúc đẩy xây dựng nhanh khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt-Trung không chỉ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nói riêng mà còn với Đông Nam Á nói chung.

Ông cũng cho biết hợp tác cửa khẩu Pò Chài (Trung Quốc) và cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sẽ được triển khai trước coi như là một thí điểm cho hợp tác xuyên biên giới Viêt-Trung.

Sự hợp tác này được thể hiện ở ba điểm, đó là: người Trung Quốc sẽ dùng thẻ căn cước qua cửa khẩu Tân Thanh vào Việt Nam và ngược lại, nâng cao mức giao dịch thương mại giữa hai bên, và khu ngoại quan Bằng Tường sẽ đi vào hoạt động từ ngày 30/10/2010.

Diễn đàn là một bước tiến để tạo một hành lang kinh tế thống nhất: Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) Việt Nam, hợp tác xuyên biên giới Việt-Trung trong những năm qua đã đáp ứng được nhu cầu giao lưu hàng hoá giữa hai nước, tăng mức sống cho người dân và thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo.

Tại diễn đàn, các đại biểu hai nước cùng nhau bàn thảo để đi đến thống nhất về các loại hình hợp tác, xây dựng cơ chế quản lý chung và các mô thức xây dựng cho việc di chuyển người và vật tư giữa hai nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên