ĐBQH lo doanh nghiệp “chơi vơi” khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
VOV.VN - Thảo luận tổ về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đa số các ý kiến nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá… Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề xuất phải cân nhắc lộ trình cụ thể.
Nên có độ trễ để tránh cú sốc
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) bày tỏ ủng hộ việc nên tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, rượu. “Tuy nhiên, riêng đối với mặt hàng bia thì nên có cân nhắc”.
Đại biểu phân tích, việc đánh thuế tăng với mặt hàng bia phải đảm bảo cân nhắc sự hài hòa giữa việc tăng thu ngân sách nhà nước với việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách; và việc đảm bảo nghĩa vụ quyền lợi của các tầng lớp nhân dân; công ăn việc làm; tăng trưởng kinh tế.
Theo đại biểu Ngân, thời gian qua, các ngành sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lớn, đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nếu nhìn lại lượng khách du lịch quốc tế và trong nước trước đại dịch rất lớn nhưng từ khi đại dịch, số lượng này đã giảm, ảnh hưởng đến các lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhà hàng, ăn uống…
Đặc biệt, từ khi có Nghị định định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xử lý vi phạm hành chính những người uống rượu bia khi tham gia giao thông đã có tác dụng lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, góp phần làm giảm số người uống rượu bia.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý lộ trình triển khai thuế nên có sự cân nhắc, tránh tạo ra cú sốc ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ đang có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và giải quyết công ăn việc làm.
Theo thông tin, với ngành bia có mức đóng góp ngân sách khá lớn với mức năm 2019, khoảng gần 56.800 tỷ đồng thu ngân sách và hơn 56.000 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn thu từ khu vực này đã sụt giảm, đến năm qua chỉ còn gần 51.000 tỷ đồng, giảm gần 6.000 tỷ đồng, và số lao động còn gần 51.000 người. Đó là chưa tính tới các ngành nghề tham gia gián tiếp liên quan như: phân phối, bán lẻ, cửa hàng dịch vụ ăn uống,…
Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia nhưng kiến nghị xem xét cần cân nhắc có lộ trình, nên có độ trễ, để tránh cú sốc.
“Nên tiếp tục áp dụng mức thuế suất 65% hiện đang áp dụng với ngành bia trong khoảng 2 năm tới, và đến năm 2027 mới điều chỉnh tăng lên 70%... Điều này vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa giúp người lao động trong lĩnh vực này và bản thân doanh nghiệp tự tái cơ cấu sản xuất, đảm bảo thân thiện với môi trường”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Nếu như những năm trước, khoảng 2 năm điều chỉnh tăng một lần (năm 2012, thuế suất 45%; năm 2014 là 55% và đến năm 2016 là 65%... Tuy nhiên, theo đại biểu, ở lần điều chỉnh này nên có độ trễ và lùi thời gian để doanh nghiệp tái cơ cấu, để người dân và các cửa hàng bán lẻ thích ứng, tránh cú sốc lớn.
Lo doanh nghiệp chơi vơi, người lao động mất việc làm
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng, tác hại không mong muốn của rượu, bia ai cũng nhìn thấy, cũng chưa có quốc gia nào mua bán rượu, bia lại dễ như ở Việt Nam. Tuy vậy, thực tế là hiện nay, hầu như tỉnh nào cũng có nhà máy sản xuất rượu, bia, riêng mặt hàng bia có tới 21 nguyên liệu đầu vào. Do đó, nếu tăng mạnh thuế để giảm tiêu thụ rượu, bia thì sẽ tác động đến ngân sách cũng như giải quyết việc làm của các địa phương.
Chính vì vậy, đại biểu Thắng cho rằng, việc tăng thuế nên có lộ trình hợp lý. Thời gian qua, ngành rượu, bia và các ngành nghề liên quan cung cấp nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chưa kịp tái cơ cấu, chuyển đổi. Nếu thực hiện tăng thuế ngay sẽ khiến các doanh nghiệp chơi vơi, người lao động mất việc làm.
“Tăng thuế là cần thiết, song tăng thuế ngay với mức như hiện nay sẽ là cú sốc cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, cần có thêm thời gian để các cơ sở sản xuất rượu, bia và doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào tái cơ cấu, chuyển đổi, nên chậm lại đến năm 2027 mới tăng thuế. Ngoài ra, khi tăng thuế cần lường trước nguy cơ bia, rượu nhập lậu hoặc bia, rượu gia công tăng”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu ý kiến.
Tử vong do rượu bia chiếm 6% tỷ lệ tử vong hằng năm
Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự Luật này, đặc biệt đối với vấn đề định hướng để tăng thuế TTĐB với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.
Liên quan tới việc đánh thuế TTĐB đối với rượu bia, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, WHO đánh giá và có bằng chứng khoa học rằng, sử dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 nhóm bệnh tật và rối loạn sức khỏe, bao gồm: xơ gan, ung thư và các rối loạn tâm thần do rượu. Đặc biệt, rượu bia cũng gây nên vấn đề thương tích và tử vong do tai nạn giao thông và là yếu tố nguy cơ gây nên bạo lực gia đình.
Uống rượu bia cũng gây nên 46.000 ca tử vong trong năm 2021 (chiếm 6% tỷ lệ tử vong hằng năm). Về phía Bộ Y tế, theo tính toán thì tỷ lệ sử dụng rượu bia cũng tăng rất cao: Năm 2020 là 9,3l cồn/người trưởng thành. Vì vậy, Bộ Y tế cũng thống nhất đối với phương án đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá.
Đối với đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, sử dụng thuốc lá được WHO đánh giá là nguyên nhân gây nên 28 nhóm bệnh.
Ước tính Việt Nam hằng năm có vài chục nghìn ca bệnh chết liên quan đến bệnh do các nhóm bệnh gây ra. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá còn làm tăng chi phí y tế và tổn thất kinh tế. Theo ước tính, tổn thất hằng năm lên đến 108.000 tỷ đồng và thuế thu nhập chỉ đạt khoảng 1/5. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá ở nam giới ở Việt Nam vẫn còn cao.
Tư lệnh ngành Y tế cho hay, thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chiếm 34-38%, trong khi đó ở các nước trên thế giới trung bình khoảng 62%. Có những nước như: Thái Lan 81%, Indonesia là 72,9%, Singapore là 66,3%.
Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, hiện đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì… từ đó, làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm vừa qua: từ 18,5L/người năm 2009 lên 66L/người năm 2023 là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên từ gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Những người này có nguy cơ mắc bệnh mãn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
"Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASEAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.