ĐBSCL chắt chiu từng cơ hội để phục hồi kinh tế
VOV.VN - Tại ĐBSCL, mặc dù đã cố gắng để duy trì và phục hồi sản xuất, tuy nhiên thời điểm mở cửa lại là lúc doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn.
Ở VOV đã đề cập ở bài viết trước về những khó khăn của doanh nghiệp, sự vào cuộc của chính phủ, các địa phương để hỗ trợ khôi phục lại hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Trọng tâm nhất vẫn là vấn đề liên kết vùng khi bước vào giai đoạn bình thường mới.
Tại ĐBSCL, mặc dù đã cố gắng để duy trì và phục hồi sản xuất, tuy nhiên thời điểm mở cửa lại là lúc doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ nữa để sớm ổn định sản xuất.
Trong bài cuối của loạt bài “ĐBSCL nỗ lực phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh hậu giãn cách”, các chuyên gia sẽ phân tích, đánh giá sâu hơn về cơ hội và cách tiếp cận đối với các doanh nghiệp trong quý IV và năm 2022.
Dự báo trong năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Việt Nam dự báo có nguy cơ lỡ nhịp, đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi doanh nghiệp và nền kinh tế đang sức cùng, lực kiệt. Vì thế, việc giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang hết sức cấp bách.
Kinh tế sẽ phục hồi năm 2022 nếu mở cửa được nền kinh tế
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, mở cửa là con đường không thể nào khác được và nếu “mở” chậm hơn cái giá phải trả là vô cùng lớn. Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị mỗi địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL và cả nước hãy chuẩn bị cho riêng mình kế hoạch sống chung, phục hồi gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh trọng tâm là liên kết vùng phải hình thành trên cơ sở cơ chế thị trường, chính phủ, chính quyền chỉ đóng vai trò mở đường bằng những chính sách, cơ sở hạ tầng, bằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện liên kết chính là doanh nghiệp, chuỗi cung ứng được thiết lập sẽ là dòng chảy để liên kết vùng. Nền kinh tế của Việt Nam trong kinh tế thị trường không thể là phép cộng của nền kinh tế địa phương và các địa phương sẽ không có nền kinh tế riêng theo kiểu đóng khung.
"Thực hiện vai trò liên kết vùng chính là chuỗi cung ứng được thiết lập sẽ là dòng chảy để liên kết vùng, các chuỗi cung ứng thì không có biên giới, không có địa giới hành chính. Cho nên chính là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn khi đầu tư vào khu vực này sẽ tạo nên trung tâm liên kết, lan tỏa, chính họ sẽ là lực lượng chủ lực trong quá trình xây dựng các chuỗi liên kết cùng với nông dân là chủ thể, với sự hỗ trợ của chính quyền" - ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng, sự suy giảm GDP trong quý III chỉ là nhất thời, GDP sẽ đảo chiều khi thị trường mở cửa trở lại. Nền kinh tế hoàn toàn có thể tăng trưởng vào quý IV và trong năm 2022, đà tăng trưởng sẽ hồi phục. Để đạt được kỳ vọng này, mỗi tỉnh thành, địa phương cần quan tấm vấn đề tái cấu trúc.
Tái cấu trúc lại doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng
Tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực ĐBSCL và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tập trung nỗ lực hồi phục trong quý IV là cứu cánh trong phục hồi kinh tế. Để có sự trở lại, cần phải mở cửa ngay từ bây giờ và phải “mở” bền vững. Nếu mở rồi lại đóng và cứ lặp lại thì không những không phục hồi mà còn dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.
Để đối mặt với những thách thức mới từ nhu cầu của thị trường quốc tế cũng như bối cảnh cần tái cấu trúc lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cho biết, đại dịch Covid-19 có thể dần khắc phục bằng tiêm phủ vắc xin, phân luồng trong quản lý, sản xuất...
Tuy nhiên để phục hồi mang tính bền vững và tạo giá trị cao hơn nữa, phải có cái nhìn xa hơn. Đó là kiến tạo một không gian phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản lượng, đơn giá trị sang mục tiêu đa giá trị. Các tỉnh liên kết vùng không phải chỉ là cùng nhau chia miếng bánh lợi ích mà phải tư duy cùng làm cho miếng bánh đó lớn hơn và chia nhau giá trị lớn hơn đó. Chính vì vậy các địa phương cần chủ động liên kết lại với nhau cùng kiến tạo, xây dựng ngành hàng để tạo ra giá trị cao hơn.
Ông Lê Minh Hoan thông tin trong quý IV năm nay, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng quan chuyển đổi một mô hình tăng trưởng tiếp cận nền tư duy kinh tế, xu thế tiêu dùng thế giới về nền kinh tế tri thức, nền kinh tế xanh.
Thực tế tại ĐBSCL cho thấy, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra là đặc biệt lớn nhưng vẫn có những doanh nghiệp đã hoạch định ra những chiến lược cho năm tới mở rộng chuỗi ngành hàng.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL nêu rõ, ĐBSCL đang ở giai đoạn hết sức quan trọng trong phục hồi kinh tế với nhiều thách thức và cũng không ít cơ hội mở ra.
Theo ông Lam: "Phải có sự thống nhất chung giữa các địa phương, những quy định thống nhất. Nếu không có sự thu xếp ổn trong giai đoạn này mà chỉ duy nhất cho an toàn về chống dịch thì một thời gian nữa ĐBSCL sẽ gặp thêm những khó khăn trong phát triển kinh tế. Thứ hai, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng, những chính sách, chủ trương của Chính phủ, Nhà nước đã có những định hướng khá đầy đủ và rõ ràng.
Tuy nhiên, quá trình thực thi còn vướng rất nhiều trong những thủ tục hành chính cũng như những quy định chi tiết; sự linh hoạt của các địa phương rất cần thiết trong lúc này để hướng đến có sự tiếp cận kịp thời cho các doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Phương Lam phân tích thêm, mặc dù vấn đề nội tại của vùng ĐBSCL như giáo dục, trình độ lao động, di dân, hạ tầng giao thông, năng lực cạnh tranh vẫn đang là một thách thức. Song những cơ hội mới mở ra từ bên ngoài như lợi ích từ các Hiệp định thương mại quốc tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang hướng đến ĐBSCL, sự quan tâm đầu tư của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội... là những cơ hội lớn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của cả vùng.
Ngoài vấn đề liên kết vùng để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường chính sách công và Quản lý Fullbright, đầu tư công sẽ là “cú hích”, giữ vai trò quan trọng trong khôi phục nền kinh tế.
Để doanh nghiệp phục hồi, bên cạnh mở rộng các gói tài khóa, tiền tệ song hành để kích cầu tăng trưởng thì không thể còn 3 hay 4 tại chỗ như hiện nay. Cơ quan chức năng hướng tới chỉ giám sát còn doanh nghiệp tự kiểm soát dịch.
Cùng với dịch vụ vận tải được gỡ khó, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, dịch vụ Logistics phát triển chính là yếu tố then chốt thúc đẩy cho “dòng chảy” hàng hóa xuất khẩu được thông suốt. Sẽ rất khó khăn nếu vẫn còn những yêu cầu các doanh nghiệp vận tải Logistics vẫn phải xin cấp phép QRCode, vẫn phải có luồng xanh.
"Quan điểm đó là nếu như người điều khiển phương tiện vận tải, lao động logistics đã tiêm đủ vaccine thì chỉ cái cần chứng nhận, không cần xin phép nữa. Nếu không có thì chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, đó chính là các tiêu chí an toàn mà thống nhất được tất cả địa phương trong vùng, để lưu thông, hoạt động vận tải logistics liên tỉnh, liên vùng. Nếu như làm được việc đó thì có thể phục hồi được kinh tế ngay từ trong quý IV" - ông Xuân Thành đưa ý kiến.
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này cũng chính là một thử thách lớn đặt ra đối với các địa phương ĐBSCL trong tư duy liên kết vùng. Ngay thời điểm này, cả vùng đang cần một tiếng nói chung về cách mở cửa và hợp tác để bắt đầu công cuộc tái thiết kinh tế. Nhìn tổng thể liên vùng, nếu chậm "mở" tư duy thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh, khu vực Tây Nam bộ sẽ vuột mất cơ hội phục hồi, phát triển. Khi đó, mọi nơi đều chạy, còn ĐBSCL sẽ tiếp tục ì ạch bởi chính ta “Tự lấy đá ghè chân mình”./.
Bài 1: Doanh nghiệp miền Tây khốn đốn trong "cơn bão" Covid-19
Bài 2: ĐBSCL nỗ lực phục hồi kinh tế thích ứng linh hoạt với dịch bệnh sau giãn cách