ĐBSCL – Sức mạnh đất chín rồng
VOV.VN - Về đất chín rồng những ngày này để ngắm nhìn những thành quả, lắng nghe những khát vọng và cả những trăn trở cần quan tâm giải quyết.
Những ngày tháng Tám lịch sử này, cùng với cả nước, hơn 17,5 triệu người dân châu thổ Cửu Long lại náo nức trong không khí của Ngày Quốc khánh 2/9.
Kể từ mùa thu lịch sử cách đây 69 năm (2/9/1945), ĐBSCL từ một vùng đất nhiều hoang hóa, phèn mặn, sông rạch chằng chịt bị chiến tranh tàn phá năng nề đã vươn lên trở thành vựa lúa,vựa trái cây và thủy sản của cả nước. Châu thổ Cửu Long hôm nay vươn tầm là vùng đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia; một cửa ngõ của sông Me Kong để kết nối với các nước Asean và thế giới.
Trò chuyện với các chú, các bác là những nhân chứng lịch sử của cách mạng tháng tám năm 1945. Có người tham gia cách mạng từ khi đó, cũng có người suốt đời chỉ lam lũ, cần mẫn bên ruộng đồng, song qua câu chuyện kể, ai cũng hào hứng nói về những năm tháng không thể nào quên của cả dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ, giành lấy nền độc lập, xây dựng nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Và cũng từ đó, trong bối cảnh chung của dân tộc ta, vùng châu thổ Cửu Long cùng với nhân dân cả nước bắt tay vào dựng xây quê hương đất nước, đồng thời trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để gìn giữ nền độc lập.
Để đổi lấy độc lập, hòa bình, hàng triệu người con đất chín rồng đã ngã xuống; máu xương của họ thấm đẫm vào từng mương vườn, vạt núi, nhánh sông. Theo thống kế sơ bộ hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có hơn 1 triệu đối tượng người có công. Đến bất kỳ địa phương nào ở Nam bộ cũng bắt gặp những bia tưởng niệm ghi công các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nghĩa lớn; riêng các đối tượng chính sách hiện đang được các cấp,các ngành quan tâm chăm lo cả đời sống vật chất, lẫn tinh thần.
Sau ngày đất nước thống nhất, ĐBSCL cùng với cả nước chung tay dựng xây quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh. Các chiến dịch thủy lợi tấn công vào Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, U Minh để ém phèn, giữ ngọt được triển khai rầm rộ như một cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng với hàng triệu con người, trong đó có rất nhiều các trí thức trẻ từ ngoài Bắc tăng cường vào, con em cán bộ tập kết trở vào Nam.
Vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười mà người Pháp đã cố công khai phá song nhiều nơi cũng phải bất lực vì độ phèn quá nặng; cỏ năn, lác mọc nhanh hơn cây lúa nên cũng chỉ khai thác ở những nơi thuận lợi, còn lại đa số là đồng đất hoang vu, vào mùa nước nổi chỉ có giống Lúa Ma là sống được.
Với quyết tâm của những người đi khai hoang, đặc biệt là ngọn gió đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo năm 1986 đã tạo động lực mới cho ĐBSCL phát triển.
Sản lượng lương thực của ĐBSCL nhờ vậy đã gia tăng mạnh mẽ, năm 1990 là 9,4 triệu tấn, năm 2000 là 16,7 triệu tấn, năm 2010 là hơn 21 triệu tấn và năm nay đã cán mốc 28 triệu tấn; lượng gạo hàng hóa hóa dành cho xuất khẩu trong năm nay dự báo là 8 triệu tấn.
ĐBSCL không chỉ góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên vươn lên ổn định kinh tế vĩ mô mà còn trở thành nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới( chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước). Về thủy sản, ĐBSCL cũng góp 70% sản lượng thủy sản, 60% sản lượng trái cây của cả nước. Con cá tra trên thế giới chỉ có ở ĐBSCL mới có đã đến được gần 100 nước, mỗi năm mang về hơn 1,5 tỷ USD cho đất nước.
Một nét nổi bật nữa đối với châu thổ Cửu Long trong nhiều năm qua, đó là sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện. 2 cây cầu dây văng hiện đại nhất nước là Mỹ Thuận và Cần Thơ được đưa vào sử dụng đưa quốc lộ 1A từ Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến mũi Cà Mau gần như đã được nối liền.
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương đang đưa vào sử dụng và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sắp được triển khai sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP HCM đi Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Các tuyến giao thông biên giới (N2), đường hành lang ven biển phía Nam kết nối với các nước Asean; các tuyến quốc lộ 61; 62; 53… được triển khai đã hình thành nên một hệ thống giao thông liên hoàn cho vùng phát triển.
Cùng với đường bộ là hệ thống sân bay Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Quốc, Cà Mau được hình thành đã tạo ra một không gian mở để đất chín rồng kết nối với cả nước và quốc tế. Hệ thống giao thông đường thủy cũng không ngừng được mở rộng; từ đó cho phép các địa phương trong vùng hình thành nên nhiều nhà máy, khu, cụm công nghiệp.
Các nhà máy khí điện đạm Cà Mau, nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), nhà máy điện gió Bạc Liêu; các khu công nghiệp ở Long An, Cần Thơ… đang khẳng định vị thế của ĐBSCL trong giai đoạn đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Ở mỗi thời điểm của lịch sử, các dân tộc anh em trong vùng luôn đoàn kết, dựng xây quê hương đất chín rồng phát triển. Và nét văn hoá đặc sắc này đang say đắm du khách gần xa mỗi khi đến thăm ĐBSCL. Một tin vui đối với người dân trong vùng là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được Unesco vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối năm ngoái. Và loại hình nghệ thuật vừa bình dân vừa bác học này đang phát triển rầm rộ làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày thêm phong phú.
Trong giáo dục, nếu trước đây ĐBSCL chỉ trông cậy vào trường ĐH Cần Thơ để đào tạo bậc đại học thì nay đã có hơn 10 trường ĐH của nhà nước và tư thục; bên cạnh đó là các trường cao đằng,dạy nghề; hệ thống các trường các cấp học cũng được xây dựng đồng bộ.
Con em người đồng bằng giờ đây ngày càng được chăm lo chu đáo hơn. Sự phát triển về kinh tế đã làm cho đời sống của người dân trong vùng không ngừng được cải thiện.Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng giảm xuống còn 7,24%. Nông dân ĐBSCL thời nay đã được kết nối với toàn cầu qua mạng Internet để mua bán hàng hóa nông sản, và trau đồi tri thức làm giàu. Những “nông dân thời @” ở vựa lúa, vựa cá hôm nay đang góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên trong tiến trình phát triển của mình, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn thử thách mà điều dễ nhận thấy nhất đó là kết cấu hạ tầng giao thông tuy có cải thiện song còn chậm và yếu. Và đây được coi là điểm yếu cốt tử của ĐBSCL. Một trong những nguyên nhân là do ĐBSCL có nền đất yếu, chi phí làm cầu, đường cao so với các vùng khác; song nhiều năm qua, sự quan tâm đầu tư cho vùng chưa ngang tầm với tiếm năng, lợi thế.
Hiện nay, do việc đào tắt kênh Quanh Chánh Bố (Trà Vinh) tạm dừng và chưa xong, tàu có trọng tải trên 20 tấn không thể từ biển vào sông Hậu để đến các cảng trong vùng nên hầu hết hàng hóa nông sản trong vùng đều phải chuyên chở bằng đường bộ lên cảng Sài Gòn để ra nước ngoài, khiến chi phí tăng thêm 10 USD/tấn hàng hóa.
Bên cạnh đó hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đều hẹp, xe container khó di chuyển làm cho hàng hóa lưu kho nhiều; giao thông liên kết theo trục ngang giữa các tỉnh vẫn còn thiếu. Cùng với khó khăn về cơ sở hạ tầng, ĐBSCL vẫn được coi là vùng trũng về giáo dục; các thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng đang đặt ra đòi hỏi các cấp, các ngành và từng người dân trong vùng phải quan tâm giải quyết.
Với bề dày bất khuất, can trường từ những ngày đầu đến khai hoang lập ấp, làm nên công cuộc khai phá vùng đất Nam bộ trù phú và phì nhiêu của các bậc tiền nhân; và các thế hệ người dân châu thổ 69 năm qua đã chung lưng đấu cật cùng cả nước gìn giữ nền độc lập tự do qua các thời kỳ, tin rằng người dân đất chín rồng hôm nay sẽ biết phát huy tốt nhất các giá trị mà cha ông để lại, xây dựng vùng đất Cửu Long ngày càng sung túc,ấm no. Khát vọng đất chín rồng sẽ tiếp tục được các thế hệ người dân nơi đây hiện thực hóa trong đời sống hôm nay./.