ĐBSCL: Thừa kho gạo, thiếu kho lúa
VOV.VN - Phần lớn các kho chứa hiện nay chỉ dành chứa gạo thành phẩm trong khi lại thiếu kho trữ, sấy, xay lúa.
Ðến thời điểm này, tổng tích lượng của các kho chứa gạo trong cả nước, trong đó phần lớn tập trung ở khu vực ĐBSCL đã đạt trên 6 triệu tấn. Trong đó, tích lượng kho chứa gạo chiếm phần áp đảo, gấp nhiều lần so với kho chứa lúa. Bất cập này đã và đang dẫn đến nhiều nghịch lý.
Hiện tại, việc xây kho chứa lúa gạo vẫn đang tiếp tục được tiến hành ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL. Trong đó, phần áp đảo vẫn tiếp tục thuộc về kho chứa gạo khi ước tính đạt mức trên 4,7 triệu tấn.
Kho chứa lúa tuy chiếm tỷ lệ cao trong tổng tích lượng kho xây dựng trong năm nay, nhưng trong tổng tích lượng chung, vẫn tiếp tục ở mức khiêm tốn là gần 1,6 triệu tấn. Như vậy, so với yêu cầu trữ lúa gạo hàng năm, thì tổng tích lượng kho chứa gạo hiện đã khá dư thừa. Ngược lại, tổng tích lượng kho chứa lúa lại còn thiếu khá nhiều.
Phần lớn các kho chứa hiện nay được xây dựng để chứa gạo. |
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích: Chương trình xây dựng kho chứa 6 triệu tấn đến nay đã dành gần 5 triệu tấn chỉ để chứa gạo mà không chứa lúa. Trong khi chủ trương sản xuất lúa chất lượng cao, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu và kho gạo không thể tiếp cận hạt lúa để xây dựng thị trường. Bên cạnh đó. Quyết định 62 của Thủ tướng từ tháng 12/2013 tới nay vẫn chưa được hướng dẫn gì.
Sự mất cân đối quá lớn giữa kho chứa gạo với kho chứa lúa như hiện nay tại ĐBSCL, đã và đang gây khó khăn cho việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Bên cạnh đó, có thêm một bất cập là nếu xây kho chứa lúa, doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tổ chức thu mua lúa; đồng thời với đó là đầu tư khá nhiều tiền để xây dựng hệ thống sấy lúa, hệ thống xay xát và cũng khó kiểm soát được chất lượng.
Trong khi hiện khâu này do lực lượng thương lái thực hiện, việc chứa gạo lại do các doanh nghiệp chỉ việc thu mua gạo, nên chỉ cần xây kho gạo và doanh nghiệp không phải đầu tư những hệ thống này.
Tuy nhiên, ngay cả với các kho chứa gạo như hiện nay thì cũng còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Tại Hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa ĐBSCL mới đây tổ chức tại Cần Thơ, vấn đề vốn vay với lãi suất cao trong những năm trước đối với chương trình xây kho lại được nhiều địa phương đặt vấn đề.
Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Với chủ trương xây dựng 4 triệu tấn kho bãi, mới đây Thống đốc báo lãi suất đã giảm xuống thấp, nhưng các hợp đồng cũ lãi suất còn cao, doanh nghiệp không chịu nổi. Hiện các hợp đồng thu mua lúa gạo cũ vẫn phải chịu lãi suất là 15%/năm.
Chính vì kho chứa gạo đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng tích lượng kho chứa lúa gạo, nên Bộ NN&PTNTđã có văn bản gửi Bộ Công Thương, đề nghị cân đối tỷ lệ giữa kho chứa lúa và kho chứa gạo.
Còn đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, vấn đề hiện nay là hướng tới hoàn thiện công năng đối với các kho chứa đã xây dựng.
“Từ năm 2011, Hiệp hội đã cảnh báo không phát triển thêm kho. Hiện lượng kho chứa đến đầu 2014 đã là 6,4 triệu tấn nên cần thiết phải hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa; đồng thời trang bị các thiết bị như sấy, xay để đảm bảo mua lúa ở các vùng liên kết hiệp hội đang triển khai”, ông Phong cho biết.
Đã làm kho thì phải triển khai đồng bộ từ sấy đến chế biến, cho ra sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn các kho hiện nay phần lớn chỉ chứa gạo thành phẩm. Số lượng kho chứa gạo lại quá "áp đảo" so với kho chứa lúa thật sự không phù hợp với chủ trương chung và đang tồn tại như một nghịch lý ở ĐBSCL./.