Đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL: Hợp tác công tư đảm bảo cùng hưởng lợi
VOV.VN - Đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL cần sự nỗ lực và cam kết hành động quyết liệt từ khối công - tư và các đối tác trong quá trình triển khai để phát triển bền vững ngành hàng sản xuất lúa gạo.
Hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, sẽ góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo, tăng cường thu hút đầu tư, tạo ra giá trị cho người dân và ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, cần sự nỗ lực và cam kết hành động quyết liệt từ khối công (nhà nước), khối tư (nông dân, DN) và các đối tác (các tổ chức quốc tế) trong quá trình triển khai để phát triển bền vững sản xuất lúa gạo, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, hợp tác tác công tư (PPP) được xem là mắt xích quan trọng nhằm thu hút khối tư nhân, doanh nghiệp, nông dân cùng tham gia. Nhấn mạnh về vai trò của khuyến nông trong hợp tác công tư triển khai đề án, ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, có 3 tác nhân gồm khối công, khối tư và các đối tác. Ngoài ra, hệ thống khuyến nông và các DN đều có những lợi thế nhất định trong việc triển khai đề án. Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác công tư về lúa gạo sẽ đem lại hiệu quả cho các bên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng.
“Khung hợp tác PPP trong đề án này có 5 nhiệm vụ. Một là nâng cao năng lực khuyến nông cộng đồng và nông dân về giảm phát thải; thứ hai là đánh giá MRV; thứ ba là chuyển giao công nghệ; thứ tư là liên kết hợp tác xây dựng thương hiệu và thứ năm là truyền thông”, ông Khoa chỉ ra.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong hợp tác công tư đề án 1 triệu ha lúa gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, dự án phát triển, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, đây là khối công. Còn khối tư gồm DN, HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân.
Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, để hợp tác công tư hiệu quả phải có sự phân công trách nhiệm công việc giữa công và tư; có niềm tin giữa các đối tác; mối quan hệ bình đẳng và cân bằng giữa các đối tác và bảo vệ tốt quyền sở hữu của các bên.
“Trong liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ lúa gạo, DN phải ký hợp đồng tiêu thụ lúa gạo ổn định với HTX với giá thích hợp và chia sẻ lợi ích cho nông dân thu nhập từ giảm phát thải. DN phải đầu tư ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân, đây yếu tố rất quan trọng có tính chất cam kết của DN với các hộ nông dân với DN và cũng như sự đảm bảo DN sẽ thu mua”, ông Quang nêu.
Để đề án thành công rất cần nguồn tín dụng, đây cũng được xem là yếu tố then chốt góp phần thành công của đề án. Đại diện ngân hàng Agribank cam kết sẽ tập trung tối đa nguồn lực ưu tiên cho thực hiện đề án, bằng việc xây dựng chương trình tín dụng ưu đãi để cho vay đối với các cá nhân, hộ trồng lúa, tổ hợp tác, HTX, DN tham gia liên kết.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách Tín dụng của Agribank chia sẻ, với vai trò là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank cam kết phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để triển khai đề án, xây dựng các chương trình chính sách tổng thể cho khách hàng thuộc đối tượng tham gia.
Hiện nay, diện tích canh tác lúa của ĐBSCL khoảng 1,7 triệu ha, Việt Nam chọn ra 1 triệu ha để triển khai đề án chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL. Trọng tâm của đề án là chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp trồng lúa ở ĐBSCL theo hướng quy mô lớn liên kết sản xuất từ đầu vào, đầu ra, nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập của người trồng lúa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tất cả các DN, HTX và người dân tham gia đề án đều được hưởng lợi. Mong muốn các DN cùng tham gia vào ngành hàng lúa gạo để hình thành nên chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của ngành hàng lúa gạo với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Bộ NN&PTNT ủng hộ, kêu gọi các DN trong nước và nước ngoài tham gia hợp tác trong đề án theo cơ chế vận hành đề ra, đảm bảo không để thành phần nào bị thiệt thòi. Đây là cơ chế đầu tiên nên có nhiều vấn đề, Bộ NN&PTT phối hợp với World Bank và Giám đốc World Bank phụ trách châu Á - Thái Bình Dương tuyên bố, đây là dự án trọng điểm của World Bank sẵn sàng đồng hành với Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” sẽ là bước ngoặt làm thay đổi ngành hàng lúa gạo, với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng chuỗi sản xuất lúa gạo, nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện được các mục tiêu, cần phải thu hút các nguồn lực đầu tư vào các hợp phần của đề án. Trong đó cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cần rõ ràng, minh bạch để các đối tác an tâm đầu tư, chung tay cùng ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.