Để có những doanh nông trẻ trong Kỷ nguyên vươn mình
VOV.VN - Nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công từ tài nguyên nông nghiệp bản địa. Chương trình “Khởi nghiệp Xanh” của Trung tâm BSA đã ghi nhận và tiếp sức cho làn sóng này hơn 10 năm qua. Bước vào "Kỷ nguyên vươn mình", các doanh nông trẻ cần được hỗ trợ để lớn mạnh, vươn ra thế giới.
Những năm gần đây, nhiều thanh niên đang sống ở nông thôn hoặc từ thành thị trở về nông thôn đã khởi nghiệp bằng chính những nông sản, nguyên vật liệu có sẵn ở quê hương mình. Nhiều người trong số họ đã thành công, xây dựng được thương hiệu hàng hóa có uy tín cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, làm giàu cho mình và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Chương trình “Khởi nghiệp Xanh” của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) đã ghi nhận và tiếp sức cho làn sóng này hơn 10 năm qua. Hiện nay, trong thời cơ và thách thức của kỷ nguyên mới, các doanh nông trẻ này mang nhiều khát vọng phát triển và cống hiến, họ mong mỏi được hỗ trợ để có thể “vươn mình” thành những doanh nghiệp lớn mạnh.
Làm giàu từ phụ phẩm nông nghiệp
Nhiều người tiêu dùng trong nước và cả ở nước ngoài như Nhật Bản đã từng cầm trong tay những sản phẩm nhỏ xinh, hữu ích làm từ xơ mướp như: bông tắm, miếng gặm cho thú cưng... Sản phẩm ấy, dù nhỏ hay lớn cũng đều rõ ràng về thương hiệu, nhận diện, thông tin chi tiết.
Đó là sản phẩm mang thương hiệu Mr Mướp của Công ty TNHH Green Is Gold mà Đỗ Đăng Khoa là Founder và CEO, sáng lập và điều hành.
Đỗ Đăng Khoa kể, Khoa và nhóm của mình là một trong những nhóm khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp được chương trình “Khởi nghiệp Xanh” của Trung tâm BSA hỗ trợ. Nhiều năm liền Khoa tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Xanh của chương trình này, được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng, khả năng tiếp cận thị trường…
Năm 2021, Khoa làm sản phẩm từ xơ mướp với thương hiệu “Mr Mướp”. Đến năm 2023, sản phẩm Mr Mướp của Khoa đạt Quán quân cuộc thi Khởi nghiệp Xanh và Khoa chính thức tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối mở rộng thị trường, được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn tận tình.
Hiện tại, ngoài việc tập trung vào các sản phẩm từ xơ mướp, Công ty của Khoa bắt đầu làm các sản phẩm từ vỏ bắp (ngô), lục bình (bèo tây) … để đa dạng hàng hóa và tận dụng nhiều hơn tài nguyên bản địa. Vùng nguyên liệu của công ty từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, đến các tỉnh miền Đông như Lâm Đồng, Bình Phước….Cùng với thị trường xuất khẩu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Khoa đang chuẩn bị các điều kiện để lên sàn Amazon, hướng đến thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu.
Với Đỗ Đăng Khoa, về quê và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, từ nguyên liệu sẵn có ở quê hương mình là một việc nên làm.
"Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nguồn tài nguyên nông nghiệp, nguồn tài nguyên bản địa đang là thế mạnh. Thế hệ cha ông ngày trước chưa được tiếp cận phát triển khoa học công nghệ và thị trường để cải thiện tài nguyên của mình. Chính vì thế, khi chọn quay về quê hương, tôi nghĩ phải làm gì đó để tận dụng nguồn tài nguyên bản địa là con người, nguyên vật liệu có sẵn của bà con nông dân. Từ đó kết hợp với tri thức của mình được tiếp cận, với thị trường, công nghệ để tối ưu hoá quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn."- Khoa chia sẻ.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho biết, qua các cuộc thi như “Khởi nghiệp Xanh”, bà đã chứng kiến nhiều bạn trẻ là đầu bếp về quê khởi nghiệp bằng chính kiến thức nấu ăn kết hợp với những thực phẩm đặc sản vùng miền để cho ra những sản phẩm mang hương vị Việt đi xa hơn, có giá trị hơn.
Bà Sương nhận xét: "Luôn luôn có những điều mới lạ từ những bạn trẻ, từ tư duy cho đến những công việc mà các bạn triển khai. Luôn luôn có một nguồn năng lượng mới, tích cực để làm sao cho những sản phẩm mang tính bản địa của địa phương hay là những sản phẩm OCOP, đi được vào trong đời sống thực tế của người Việt, để phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài".
Nghĩ và làm theo cách của người trẻ
Với Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Tân Nhiên ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh lại là một câu chuyện khởi nghiệp khác- câu chuyện thành công từ cách nghĩ, cách làm.
Không sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh nhưng Duy chọn trở về nông thôn Tây Ninh để khởi nghiệp với một dòng sản phẩm truyền thống của địa phương này là bánh tráng và muối ớt.
Duy kể, bánh tránh thì người Tây Ninh làm bao đời nay rồi nhưng vẫn chỉ lòng vòng tiêu thụ nội địa, giờ muốn phát triển thì nhất định phải cải tiến, phải mở rộng được thị trường.
Và thế là Duy nghiên cứu, nhập máy móc, tổ chức sản xuất để cho ra đời bánh tráng thương hiệu Tân Nhiên- mỏng, mềm, dai, không cần nhúng nước khi ăn.
Bánh tráng Tây Ninh từ chỗ ăn phải nhúng nước, không bao bì, không có thương hiệu, không có tên tuổi và chỉ bán ở chợ thì giờ trở thành sản phẩm bánh tráng không nhúng nước, bao bì đẹp, đủ thông tin, đảm bảo chất lượng để có mặt ở các hệ thống siêu thị và xuất khẩu: "Tôi đã đầu tư theo quy trình sản xuất. Dù dòng sản phẩm bánh tráng chỉ là dòng sản phẩm thường, dòng sản phẩm bình dân nhưng mà Tân Nhiên đã áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, như hiện giờ là áp dụng quy trình FSSC 22000 để đầu ra sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng được các thị trường xuất khẩu khó tính, từ đó xuất khẩu dễ hơn."- anh Duy cho biết thêm.
Hiện tại, Công ty Tân Nhiên còn đứng ra xây dựng, tổ chức cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở địa phương làm và đưa ra thị trường các sản phẩm: muối Nhất Vị, Mr. Muối, bánh tráng trộn Nhất Vị…Các sản phẩm này cùng với bánh tráng Tân Nhiên đang dần dần có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc bằng con đường chính ngạch.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là người dõi theo con đường khởi nghiệp trong nông nghiệp của nhiều thí sinh từ cuộc thi “Khởi nghiệp Xanh” nhận xét, thanh niên ngày càng thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức, mạnh dạn khởi nghiệp, đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc sống hơn.
Đồng thời, trong khởi nghiệp, một đội ngũ doanh nông trẻ đang hình thành đặc biệt chú ý đến yếu tố “xanh”, từ nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ, lấy yếu tố “xanh” là một đặc trưng của mình trong khởi nghiệp, đó là điều đáng quý. "Các bạn trẻ khởi nghiệp rất chú ý đến cái tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, hệ thống quản trị mới, cách làm mới, có sự tiến rõ ràng, khả năng thương mại hóa sản phẩm là điểm quan trọng trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như bây giờ, thói quen của người tiêu dùng thay đổi như bây giờ"- bà Lan nhận định.
Chúng tôi cần những bệ đỡ
Doanh nông trẻ được hiểu là những người từng ra thành phố học tập và kiếm sống, giờ đây đang quay lại với quê hương, khởi nghiệp bằng nguồn tài nguyên bản địa để đưa nông sản ra thị trường và từng bước xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Thế nhưng, để làm được điều đó là cả một quá trình mà kiến thức, ý tưởng, hoài bão, quyết tâm thôi chưa đủ. Họ cần thêm sự hỗ trợ thiết thực bằng chính sách, sự quan tâm và nguồn lực cụ thể.
Đặng Khánh Duy cho biết: "Hiện Tân Nhiên đang tập hợp các bạn trẻ có năng lực lại thành một đội mạnh, để daonh nghiệp lớn dần. Địa phương quan tâm, hỗ trợ rất là nhiều, t ừ việc dẫn đi các chương trình xúc tiến thương mại, đến các chính sách của địa phương thì đều tới với doanh nghiệp."
Còn Đỗ Dăng Khoa thì bày tỏ mong muốn: "Tôi mong sản phẩm đến được thị trường các quốc gia phát triển hơn, mang thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới. Việc thể hiện mình trong các chuỗi đòi hỏi có nhiều sự hỗ trợ từ trung ương đến chính quyền địa phương, có chủ trương hỗ trợ và chính sách hợp lý thì các doanh nghiệp Việt mới có thể dần ngang tầm với doanh nghiệp lớn trên thế giới được."
Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit cho rằng: "Bất kỳ một sản phẩm nào tạo ra sự khác biệt đều phải được ươm mầm và nuôi dưỡng một thời gian rất dài, mới có thể đến và tạo được thói quen cho người tiêu dùng. Từ đó mới có thể nói tới việc sản xuất một cách rộng lớn và thành công được. Tất cả cần phải có thời gian, nguồn lực, tiềm lực. Rõ ràng, các doanh nông trẻ cần phải có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, của địa phương".
Tính đến nay, chương trình “Khởi nghiệp Xanh” đã được Trung tâm BSA thực hiện được hơn 10 năm, bước đầu xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp. Trong chương trình này, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh tổ chức hàng năm đã ghi nhận 2.341 thí sinh với 1.560 dự án ở 62 tỉnh, thành tham gia.
Từ đây, nhiều dự án đã được triển khai sản xuất, có sản phẩm bán ra thị trường, góp phần vào phát triển đời sống người dân nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Những thương hiệu như: mật hoa dừa Sokfarm, mật dừa nước Vietnipa, các loại bánh cuộn Tư Bông, các loại bột rau Quảng Thanh... đã đi ra thế giới bằng công sức và trí tuệ của các doanh nông trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.