Đề nghị thu hồi các khoản tạm ứng trong năm 2013
(VOV) -Việc tạm ứng vốn lớn trong những năm gần đây là chưa hợp lý, đặc biệt năm 2012 lên tới 20.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, báo cáo Tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2012, dự toán NSNN năm 2013 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Việc Chính phủ cho tạm ứng có tác động tích cực đối với việc sớm hoàn thành một số dự án, công trình. Tuy nhiên, việc tạm ứng lớn đã ảnh hưởng nhất định tới tính nghiêm minh trong thực hiện Nghị quyết về dự toán NSNN của Quốc hội. Hơn nữa, việc nới lỏng chi tiêu ngân sách có thể dẫn đến hệ lụy về lạm phát, thiếu tính minh bạch, công khai, công bằng đối với địa phương và các đơn vị dự toán”.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề nghị “Chính phủ cần hạn chế tối đa tình trạng tạm ứng vốn, đồng thời ban hành quy chế nhằm xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được tạm ứng để bảo đảm minh bạch, công khai trong tổ chức thực hiện và tích cực thu hồi các khoản tạm ứng trong năm 2013” – báo cáo nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, chi đầu tư phát triển còn tồn tại, yếu kém: phân bổ vốn dàn trải, chậm về thời gian; tiến độ giải ngân chậm; chất lượng, hiệu quả công trình xây dựng cơ bản từ NSNN thấp; thất thoát, lãng phí lớn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định ý kiến các vị ĐBQH đã nêu là đúng. Mặc dù Chính phủ, các địa phương có nhiều cố gắng trong quản lý, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần chấn chỉnh công tác quản lý XDCB đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đầu tư XDCB từ NSNN vẫn là một khâu bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây thất thoát, lãng phí lớn nhưng chậm được khắc phục. Nguyên nhân một mặt là do chính sách đầu tư chưa hợp lý, mặt khác, do quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm, tiêu cực, lãng phí. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai các giải pháp tái cơ cấu đầu tư công; xác định rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo số liệu ước thực hiện dự toán thu NSNN năm 2012, có 28 địa phương hụt thu khoảng 13.000 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị cần cấp bù cho các địa phương hụt thu do nguyên nhân khách quan.Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị: Đối với các địa phương khó khăn bị hụt thu NSNN do thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thì đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo khả năng cân đối của NSTW; đối với các địa phương hụt thu do nguyên nhân suy giảm kinh tế thì địa phương cần chủ động giãn, giảm, đình hoãn các khoản chi chưa thật cấp bách và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác./.