Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các cấp, các ngành và đông đảo doanh nghiệp cũng như người dân

Bên cạnh việc khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân thì việc thực hiện cuộc vận động đặt ra yêu cầu lớn đối với các nhà sản xuất và phân phối Việt Nam: Phải làm gì để cuộc vận động này đạt hiệu quả?

Việc hàng Việt Nam chưa được người tiêu dùng (NTD) trong nước ưa chuộng, có một số ý kiến cho rằng vì người Việt Nam sính hàng ngoại. Nói như vậy chỉ đúng một phần và đối với một bộ phận NTD. Thực tế thì hàng ngoại có những loại tốt hơn hàng nội nhưng không phải là tất cả. Việc hàng ngoại “nhái” hàng nội để dễ bán hơn đã từng xảy ra và nhiều người từng mua phải hàng ngoại với giá đắt mà chất lượng nội 100%. Phần lớn NTD Việt phải mua hàng ngoại chỉ vì hàng Việt Nam không có, hoặc có nhưng không đáp ứng được chất lượng, mẫu mã hoặc quá đắt so với giá trị của nó.

Đưa hàng về nông thôn

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng, hiện nay, hàng Trung Quốc tuy không còn làm mưa làm gió như trước nhưng vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều này không có nghĩa là hàng Trung Quốc tốt hơn hàng Việt Nam và người Việt Nam sính hàng Trung Quốc mà là do hàng Trung Quốc phong phú hơn về kiểu dáng, mẫu mã, công dụng mà giá cả rẻ hơn.

Thực tế lâu nay, NTD bị doanh nghiệp (DN) Việt bỏ quên hoặc đối xử không công bằng. Sản phẩm tốt, chất lượng cao thì dành để xuất khẩu, còn hàng kém chất lượng, hàng phế phẩm, có khuyết tật, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì để bán trong nước. GS.TS Nguyễn Lân Dũng nêu một thực trạng: Hàng Việt Nam rất nghèo nàn về mẫu mã thiết kế, hàm lượng chất xám ít nên không có nhiều lựa chọn cho NTD. Thêm vào đó là chất lượng và độ an toàn vệ sinh của sản phẩm cũng có vấn đề. Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, thực phẩm không an toàn bày bán vô tư đang khiến uy tín của hàng “made in Vietnam” giảm sút.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt mất khách là thái độ ứng xử của người bán hàng đối với NTD. NTD cần được chăm sóc ân cần, được đối xử lịch sự, trọng thị nhưng đối với nhiều DN Việt, đó còn là vấn đề xa xỉ. Và một trong những điểm yếu của hàng Việt là khâu phân phối sản phẩm đến tay NTD và chế độ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc sau khi mua hàng còn thua xa DN nước ngoài. Thông tin về sản phẩm còn mù mờ, chưa đầy đủ và trung thực khiến NTD khó nhận biết và hoang mang, đặc biệt đối với thị trường nông thôn, nơi được coi là “rổ” chứa hàng giả, hàng kém chất lượng do NTD kém hiểu biết và thiếu thông tin.

Để cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động đạt được hiệu quả, cần phải có sự chung tay hành động của cả 3 phía: Nhà nước, NTD và DN, trong đó, DN phải là tiên phong. Nhà nước chỉ đề ra đường lối, chính sách, còn có giành được NTD hay không, hoàn toàn là do DN. Còn đối với NTD, không thể kêu gọi họ yêu nước mà phải mua những sản phẩm xấu, đắt và kém chất lượng. Do đó, mỗi DN phải nỗ lực tối đa để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo thêm tiện ích cho NTD, hạ giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống phân phối, thường xuyên cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, đồng thời lắng nghe NTD để hiểu nhu cầu của họ và phục vụ tốt hơn… Đó cũng chính là cách để DN tạo cho NTD niềm tin và sự vững lòng để họ ưu tiên dùng hàng Việt.

Ông Võ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương: “Doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của thị trường”

Đối với Bộ Công thương, ngoài tuyên truyền, vận động NTD dùng hàng Việt, Bộ còn định hướng, tuyên truyền DN sản xuất hàng hóa hướng vào thị trường nội địa. Ngay từ cuối quý I/2009, những tuần lễ hàng Việt Nam, tuần khuyến mại… được tổ chức rất sôi động, thu hút đông người dân tới mua sắm, giúp DN nhận ra tầm quan trọng của thị trường nội địa. Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Da giày đã có chiến lược lớn quay lại chinh phục thị trường nội địa.

Vấn đề đặt ra là DN phải nhận biết được thị trường cần gì để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Một tồn tại hiện nay của hàng Việt là chất lượng chưa ổn định và an toàn vệ sinh chưa đảm bảo. Vấn đề kiểm soát thị trường, hàng lậu, hàng giả đang được Bộ Công thương đặt ra rất quyết liệt, tập trung đặc biệt vào thị trường nông thôn. Kiểm soát giá cả chặt chẽ để bảo vệ NTD cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Để làm được việc này, NTD và DN cần đồng hành cùng cơ quan chức năng.

Ông Phạm Gia Túc - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “7 giải pháp chiếm lĩnh thị trường nội địa”

Thứ nhất là cải tiến mẫu mã hàng hóa. Thứ hai là nâng cao chất lượng và tính ổn định của chất lượng hàng hóa. Một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc gây dựng lòng tin của NTD là công tác cấp giấy chứng nhận về chất lượng. Hệ thống các quy chuẩn sẽ giúp NTD loại bỏ những e ngại khi sử dụng hàng Việt. Thứ ba là yếu tố giá: một sản phẩm nội được tiêu thụ tốt được định giá trên cơ sở NTD có thể chấp nhận được. Thứ tư là xây dựng liên kết giữa mạng lưới phân phối bán lẻ và các nhà sản xuất hàng nội địa. Thứ năm là sự hợp tác giữa các DN lớn với các DN nhỏ.

Các DN nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa. Thứ sáu, chiếm lĩnh và phát triển thị trường nội địa cần được xem xét trên quy mô vùng địa lý, theo mỗi ngành hàng và đối với mỗi DN. Thứ bảy là tiếp tục nâng cao vai trò của các tổ chức hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó TGĐ Tập đoàn Prime Group: “Giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và nhà phân phối”

Hệ thống phân phối và bán lẻ đóng góp trên 50% thành công của DN. Prime Group hiểu được tầm quan trọng của hệ thống phân phối nên thường ký hợp đồng với các nhà phân phối trước khi đưa sản phẩm ra thị trường từ 1- 3 tháng. Những tiêu chí cơ bản để Prime Group lựa chọn nhà phân phối là nhà phân phối am hiểu thị trường, có uy tín với các bạn hàng trên thị trường phân phối, có tiềm lực về tài chính, có cam kết về đầu tư và hợp tác trong dài hạn. Prime Group luôn giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.

Hơn 100 hệ thống phân phối của Prime Group trên cả nước đã nỗ lực cùng công ty đưa sản phẩm đến khách hàng nhanh nhất với giá cả tốt nhất, góp phần xây dựng hình ảnh Prime Group trong lòng khách hàng trong những năm qua. Để sản phẩm được NTD lựa chọn, Prime Group coi trọng việc quảng bá sản phẩm, tạo sự tiện lợi trong việc lựa chọn sản phẩm, chất lượng sản phẩm ổn định và khâu chăm sóc khách hàng tốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên