Để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc thành công
VOV.VN giới thiệu bài viết của ông Trương Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Từ giữa những năm 1990, Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của mình như là một phần của chính sách “Đổi mới” và chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác. Cũng trong khoảng thời gian này, hợp tác và liên kết kinh tế trên cả bình diện toàn cầu cũng như khu vực đã có những thay đổi quan trọng.
Thứ nhất, là sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995, sau một thời gian dài đàm phán. Lần đầu tiên chúng ta có một tổ chức thương mại có quy mô toàn cầu, với một hệ quy tắc điều chỉnh không chỉ các biện pháp tại biên giới mà còn cả các chính sách kinh tế sau biên giới như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ…
Kể từ khi ra đời, WTO đã có những đóng góp quan trọng cho việc thiết lập cũng như vận hành các chuẩn mực thương mại đa phương. Có thể nói, thương mại thế giới đã trở nên minh bạch hơn và công bằng hơn kể từ khi WTO ra đời và đây là điều tối quan trọng đối với các nước đang phát triển, có quy mô kinh tế nhỏ như Việt Nam.
Thứ hai, các hình thức hợp tác kinh tế khu vực, lấy nền tàng là các nguyên tắc lớn của WTO, cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ kể từ sau 1995. Tính đến năm 2002, có 168 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được thành viên WTO thông báo tới Ban Thư ký WTO. Trong số này, hơn một nửa là ra đời sau năm 1995. Từ đó tới 31/7/2013, các thành viên đã thông báo tới Ban Thư ký thêm 407 thỏa thuận nữa, nâng tổng số lên thành 575. Con số này vẫn tiếp tục tăng thêm. Hầu hết các quốc gia có nền thương mại tương đối phát triển đều tham gia vào tiến trình này, kể cả những nước có quan điểm thận trọng như Ấn Độ hay Liên bang Nga. Đặc trưng của trào lưu này là các FTA giữa các bên không có sự gần gũi về địa lý xuất hiện ngày càng nhiều; Phạm vi cam kết ngày càng rộng và mức độ cam kết ngày càng sâu.
Mở đầu là thỏa thuận giữa Australia và Hoa Kỳ. Sau đó là các hiệp định đang được đàm phán như EU – Nhật Bản, EU – Canada, EU – Hoa Kỳ (TTIP), Hoa Kỳ - Nhật Bản (trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), Nhật Bản – Australia…
Thứ ba, trong khu vực, xu thế tăng cường liên kết kinh tế cũng là xu thế chủ đạo. Không chỉ hướng tới việc tự do hóa thương mại và đầu tư trong nội bộ khối thông qua thành lập và vận hành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước ASEAN còn lấy ASEAN làm trung tâm để phát triển mạng lưới liên kết kinh tế rộng hơn với các đối tác trong khu vực, đầu tiên là thông qua đàm phán, ký kết các FTA ASEAN+ với từng đối tác, sau đó là tìm cách khâu nối các FTA này thành một FTA rộng lớn hơn là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được triển khai.
Tóm lại, trong gần 20 năm qua, có thể thấy WTO tuy vẫn là nền tảng của thương mại quốc tế nhưng các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xây dựng các quy tắc mới về thương mại – đầu tư cũng như tăng cường quan hệ thương mại giữa các đối tác. Một hệ thống liên kết kinh tế đa tầng nấc đã hình thành.
Với Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt của công cuộc Đổi mới. Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện đa phương, khu vực và song phương.
Về đa phương, Việt Nam đã trở thành Thành viên của WTO từ năm 2007 sau hơn 11 năm đàm phán.
Về khu vực, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) vào giữa năm 90 của thế kỷ trước. Cùng ASEAN, Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Về song phương, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp định Đối tác Kinh tế với Nhật Bản.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 FTA, trong đó có 6 là hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 là hiệp định song phương (với Nhật Bản và Chile). Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán ở 7 FTA khác, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU).
Việc Việt Nam hội nhập kinh tế đa tầng nấc như trên một mặt thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc nắm bắt các cơ hội mới nhưng mặt khác cũng đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ.
Hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu và đa dạng sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam có được các lợi thế ở cả trong nước (cơ cấu kinh tế hợp lý hơn) và bên ngoài (tiếp cận thị trường tốt hơn) để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những thách thức mà Việt Nam phải đối diện trong quá trình này cũng không hề đơn giản.
Các đối tác trong các FTA thế hệ mới không chỉ yêu cầu mức độ cam kết sâu hơn đối với những nội dung truyền thống như hàng hóa và dịch vụ mà còn yêu cầu cam kết cả những nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước… Đây đều là các lĩnh vực mới và khó đối với Việt Nam. Để vượt qua các thách thức này và nắm bắt các cơ hội mới, chúng ta cần:
Một là, cần chuẩn bị một “cái gốc” thật chắc. Trước hết, cần có sự nhất quán cao độ về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể là không hội nhập vị hội nhập mà hội nhập để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn và minh bạch hơn. Sau đó, giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại nhưng cải cách kinh tế trong nước luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế.
Không nên dùng “bên ngoài” để ép “bên trong” vì dễ làm phát sinh tình trạng thực thi hình thức, thậm chí là phản ứng không thuận của xã hội, từ đó làm giảm hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và nếu tích tụ lâu ngày, sẽ làm xói mòn các nỗ lực cải cách kinh tế.
Cuối cùng, cần tiếp tục đưa cải cách kinh tế đi vào chiều sâu, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính – ngân hàng, đầu tư công và nông nghiệp bởi cải cách thành công trong những lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế cao hơn.
Hai là, trong môi trường đa tầng nấc, cần có chiến lược rõ ràng và bước đi phù hợp trong việc lựa chọn đối tác cũng như cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế. Là nền kinh tế nhỏ, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương WTO. Nói cách khác, có thể có các hướng ưu tiên theo từng giai đoạn nhưng các hướng ưu tiên này vẫn phải dựa trên các nguyên tắc lớn của hệ thống thương mại đa phương và hướng về mục tiêu cuối cùng là củng cố hệ thống này.
Ba là, cần có sự thay đổi về định hướng chính sách phát triển. Cho tới nay, để phục vụ mục tiêu phát triển, các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế đều cho phép dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam.
Việt Nam có thể tận dụng nhưng không nên lạm dụng sự đối xử đặc biệt và khác biệt đó. Việc có được một thời gian chuyển đổi dài để duy trì một biện pháp hỗ trợ thiếu hiệu quả nào đó sẽ không tốt bằng việc chủ động tái cơ cấu và thúc đẩy tính cạnh tranh.
Môi trường cạnh tranh, đến lượt nó, sẽ thúc đẩy việc nâng cao năng suất, nâng cao trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, những thành tố hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững trong dài hạn.
Bốn là, cần quan tâm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, bảo đảm minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.
Cuối cùng, lợi ích và chi phí của hội nhập kinh tế quốc tế thường được phân bổ không đồng đều, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, cần có giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đối với những đối tượng bị tác động nhiều nhất và tạo cơ hội công bằng cho tất cả các đối tượng trong xã hội trong việc tiếp cận các thành quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ có như vậy mới bảo đảm được đồng thuận xã hội, yếu tố quan trọng giúp hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc thành công./.