Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng, Bộ Tài chính nói gì?
VOV.VN - Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thị trường vàng. Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu, đánh giá cụ thể về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng của các chuyên gia.
Tại họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính tổ chức chiều nay 18/6, trả lời câu hỏi liên quan đến công tác quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh vàng, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Ngành thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng.
"Hiện nay, thông thường người dân mang nhiều tiền mặt đến các cửa hàng đều có thể mua được vàng, tới đây, chúng tôi kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản", ông Đặng Ngọc Minh nói.
Báo chí cũng đặt câu hỏi thời gian qua, các chuyên gia đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá. Hiện, các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng giao dịch vàng thì chưa.
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, đánh giá cụ thể về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng.
“Khi đưa thêm sắc thuế mới, Bộ Tài chính phải có đánh giá toàn diện về tác động, tính khả thi chứ không chỉ tác động trực tiếp của giao dịch vàng. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đề xuất, nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, Thứ trưởng Chi nói.
Ông Đặng Ngọc Minh thông tin thêm, cơ quan thuế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC.
"Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hoá đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý. Hiện nay, đang trong quá trình thanh tra", ông Minh cho hay.
Thời gian qua, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp như đấu thầu tăng cung vàng miếng SJC, nhưng sau đó dừng phương án này do không hiệu quả. Từ 3/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai bán vàng bình ổn giá qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).