Đề xuất nhập Bộ KHĐT, Tài chính: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì?
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đề xuất nhập Bộ KHĐT và Bộ Tài chính không hoàn toàn chính xác.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc đề xuất sáp nhập Bộ KHĐT với Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu kỹ, thận trọng, phải dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, đảm bảo tính bền vững, chứ không phải "nay nhập, mai tách".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Về chủ trương sáp nhập một số bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trong đó có sáp nhập Bộ KHĐT với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, xuất nhập này không hoàn toàn chính xác.
Ông Dũng phân tích: Do thể chế kinh tế, trình độ phát triển, chủ trương đường lối của Việt Nam mà tổ chức các chức năng nhiệm vụ của Bộ ngành cho phù hợp với tình hình của đất nước và thực tế của thế giới.
Trong tương lai, Bộ KHĐT sẽ chịu trách nhiệm tập trung làm những vấn đề vĩ mô, xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách, có tính chất hoạch định tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ những vấn đề về định hướng phát triển, ông Dũng cho hay.
Về ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ KHĐT và Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay "vênh nhau" nên nhập lại để thống nhất, tinh gọn đầu mối, ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm: Cái này phải nói theo chức năng, nhiệm vụ chứ đừng nói bộ với bộ. Chức năng nào, nhiệm vụ nào thì thuộc bộ ấy.
Bộ trưởng Dũng cho biết, mô hình Bộ KHĐT hiện nay được áp dụng ở một số nước. Có thể tên gọi khác nhưng chức năng nhiệm vụ như nhau, cùng làm chức năng tham mưu hoạch định chính sách, đường lối phát triển, quy hoạch phát triển...
Tất cả các nước đều có cơ quan làm những nhiệm vụ này. Các nước thường gọi là Bộ Phát triển, Bộ Kinh tế. Trung Quốc gọi là Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước, ông Dũng trình bày.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hai Bộ KHĐT và Tài chính có chức năng nhiệm vụ khác nhau, không thể nói là trùng nhau, không có gì chồng chéo.
Cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ KHĐT là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn Bộ Tài chính là làm về phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên, ông Dũng lý giải.
Ông Dũng nêu rõ: Đặc thù Việt Nam là một nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường nên các Bộ ngành cũng có sự khác nhau và có tính lịch sử so với nhiều nước. Tiền thân của Bộ KHĐT là Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, và trước đây nữa là Uỷ ban Kiến quốc do Bác Hồ thành lập từ hồi lập nước.
Tinh giản biên chế phải loại bỏ được “thứ giả gắn mác thật“
Tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện.
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…/.
“Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh“
“Có thể giảm khoảng 10 tỉnh và 3 Bộ nếu sáp nhập“