Đề xuất nhiều đặc quyền cho VAMC xử lý nợ xấu
VOV.VN -Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất một loạt đặc quyền cho VAMC và các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là về quyền xử lý tài sản bảo đảm.
Tại Dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề xuất một loạt đặc quyền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là về quyền xử lý tài sản bảo đảm.
Cho phép VAMC thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý
Trong đó, thứ nhất, về quyền thu giữ tài sản, theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Theo NHNN, hiện vẫn thiếu cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động trong xử lý nợ xấu (ảnh minh họa: KT) |
Điều này, theo NHNN là gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý TSBĐ của VAMC/TCTD vì VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý TSBĐ. VAMC/TCTD sẽ phải chờ bản án của Tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên cho các cơ quan xét xử.
Như thế, việc xử lý TSBĐ của VAMC/TCTD sẽ bị kéo dài thời gian xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu của VAMC/TCTD.
Cho nên, NHNN đề xuất có quy định hướng dẫn riêng về trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản cho bên xử lý tài sản theo hướng cho phép VAMC/TCTD được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý trong trường hợp VAMC/TCTD và chủ tài sản đã có thỏa thuận về việc thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm tài sản. Trong đó bao gồm quy định về trách nhiệm hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan công an, UBND các cấp...).
Không được kê biên tài sản đang cầm cố tại VAMC
Đặc quyền thứ 2, NHNN đề xuất không được kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp tại TCTD/VAMC khi chưa đến hạn trả nợ được bảo đảm. Luật Thi hành án dân sự 2008 hiện nay cho phép chấp hành viên kê biên cả tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án đang thế chấp/cầm cố tại TCTD đảm bảo cho khoản vay. Quy định này được nhận định đã ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, gia tăng nợ xấu của hệ thống TCTD, đặc biệt trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc là nguồn thu nhập chính để trả nợ cho TCTD.
Với lý do trên, NHNN đề xuất bổ sung quy định theo hướng: chấp hành viên không được kê biên đối với tài sản đang cầm cố, thế chấp tại TCTD/VAMC khi chưa đến hạn trả nợ được bảo đảm. Thứ tư, sửa thứ tự ưu tiên thanh toán cho VAMC/TCTD trước khi thu các loại thuế khác.
Hiện nay, các cơ quan thuế thường yêu cầu trích từ số tiền bán TSBĐ để thanh toán tiền thuế trước khi thanh toán cho bên bảo đảm thì mới xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để TCTD thực hiện thủ tục sang tên...
Bỏ quy định người được thi hành án phải nộp phí thi hành án
Thứ ba, về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, NHNN cho rằng, đa số các TSBĐ là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất. Do đó, NHNN đề xuất bổ sung quy định cho phép VAMC/bên mua nợ của TCTD và VAMC (đối với khoản nợ được bảo đảm bằng QSDĐ, TSGLVĐ) được nhận thế chấp bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất, qua đó đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu.
Còn thứ tư là về phí thi hành án. Điều 60 Luật Thi hành án dân sự hiện quy định người được thi hành án phải nộp phí thi hành án. Quy định này NHNN cho rằng đang vô tình khuyến khích người phải thi hành án chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, kéo dài thời gian thi hành án, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của TCTD/VAMC... Vì thế, NHNN đề xuất bỏ quy định này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn xử lý nợ xấu tại nước ta.
Thiếu cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động
Sở dĩ NHNN đề xuất các giải pháp nêu trên, theo giải thích của NHNN là quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Nguyên nhân của vướng mắc này bao gồm nhiều yếu tố, trong đó vướng mắc về mặt pháp lý là chủ yếu dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao.
Đó là quy định của pháp luật đối với việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, TCTD và VAMC không được chủ động toàn quyền xử lý bất động sản khi khách hàng vay không trả được nợ.
Nợ xấu đang tập trung chủ yếu tại các TCTD yếu kém, trong khi hầu hết các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án trọng điểm đang trong quá trình điều tra, tố tụng, nên quá trình xử lý nợ xấu bị kéo dài, do vậy, cần có thời gian xử lý cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng này.
NHNN cho rằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, một số cơ chế, chính sách tối thiểu bảo đảm cho VAMC được hoạt động an toàn, hiệu quả vẫn chưa hoàn chỉnh. VAMC chưa có các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mang tính đặc thù, đặc biệt để xử lý nhanh nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua... đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của VAMC, đặc biệt là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua./.
Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý nợ xấu
VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn trong xử lý nợ xấu?
Đã xử lý hơn 7000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2016