Đến bao giờ giá đường hạ nhiệt

Hiện giá đường bán lẻ trên thị trường đang được đẩy lên mức cao 23.000 - 24.000 đồng/kg và tại thành phố Hồ Chí Minh có những siêu thị chỉ cho phép người dân được mua tối đa 2kg đường/lần.

>> Giá đường trong nước tăng mạnhĐường tồn kho vẫn tăng giá / Có chuyện “làm giá” đường trong nước

Tái diễn sốt đường và tình trạng đầu cơ đường?

Những ngày vừa qua, giá đường bán lẻ trên thị trường tăng chóng mặt. Hiện giá đường đang đứng ở mức cao. Cụ thể ngày 12/11 ở Hà Nội, tại hệ thống siêu thị Fivimart, đường Biên Hòa được bán với giá 23.500 đồng/kg, siêu thị Hapro mart bán với giá 24.000/kg. Chỉ có một vài điểm bán hàng bình ổn giá như Coopmart, Big C, giá đường được niêm yết dưới 20.000 đồng/kg.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, người mua đã xuất hiện tâm lý mua gom đường giá thấp tại các điểm bình ổn để bán ra bên ngoài và các nhà phân phối cũng khẳng định rằng nguồn cung đường không thiếu.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn thừa nhận, thời điểm tháng 11 và 12, giá đường của thế giới và trong nước đều lên cao, nguyên nhân do mía nguyên liệu thiếu, giá thu mua nguyên liệu mía của nông dân cũng tăng, trong khi đó, tất cả các nhà máy trên cả nước đều chưa đồng loạt đi vào hoạt động nên giá đường có tăng song không có chuyện khan hiếm nguồn cung đến mức người dân phải mua tích trữ. Việc giá đường bị đẩy lên cao quá mức gần đây chứng tỏ khả năng đường bị làm giá.

Ông Lê Văn Tam khẳng định: “Giá đường trong nước có tăng, nhưng trên thế giới giá cả còn tăng nhanh hơn. Niên vụ đường 2010-2011 tới đây, giá đường sẽ vẫn giữ ở mức dưới 20.000 đồng/kg trở xuống chứ không thể thấp hơn. Sắp tới đây tình hình giá cũng được bình ổn khi tháng 12, tất cả các nhà máy đi vào sản xuất, lúc đó sản lượng đường cũng gia tăng, chắc chắn giá sẽ hạ xuống nhưng không thể hạ nhiều”.

Theo tin từ Bộ Công Thương, giá đường bán buôn tại các trung tâm bán buôn (có VAT) tăng 300 đồng/kg so với đầu tháng, hiện ở mức 19.500 - 19.800 đồng/kg đối với đường trắng, 19.800 - 20.100 đồng/kg với đường tinh luyện. Giá bán lẻ trên thị trường phổ biến ở mức 22.000 đồng/kg. Đã có 14/40 nhà máy đi vào sản xuất, nhưng do giá đường thế giới tăng mạnh, giá thu mua mía cao nên các nhà máy đường trong nước có xu hướng hạn chế bán ra, trong khi nhiều nhà buôn tăng mua vào.

Lỗ hổng quản lý

Do chênh lệch giữa giá bán trên thị trường và giá bán tại các điểm bình ổn nên đã có hiện tượng gom đường. Sở Công Thương TPHCM quy định, tại các điểm bình ổn giá, mỗi người chỉ được mua tối đa 2kg/lần/ngày phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, câu chuyện giá đường cũng như nhiều mặt hàng khác đang chứng tỏ lỗ hổng trong việc quản lý phân phối lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Ông Vũ Vinh Phú nói: “Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng quan trọng phải chịu trách nhiệm đến cùng về giá và chất lượng hàng hóa, như thế phải tổ chức bán đại lý nhưng hiện nay đều mua đứt bán đoạn như sắt, thép, xi măng và như thế người có nhiều tiền sẽ thao túng giá; các siêu thị đều kêu rằng hiện nay không bao giờ mua trực tiếp được với các nhà máy. Hiện nay chúng ta đang buông lỏng bán buôn, không chi phối được bán lẻ; đáng ra phải quản lý được bán buôn do đó mới có việc sốt giá sắt, thép, xi măng”.

Theo ông Phú biện pháp bình ổn giá của Hà Nội chỉ là biện pháp tạm thời. Những đơn vị tham gia bình ổn giá chỉ chi phối được 8% thị trường, còn 92% là thị trường tự do. Trong khi đó, khâu phân phối hàng hóa theo kiểu buông lỏng bán buôn và không chi phối bán lẻ dẫn đến hiện tượng làm giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn liên tục diễn ra.

Vì vậy để thực sự bình ổn các mặt hàng này, cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi cơ chế quản lý triệt để và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Như thế mới thực sự giải quyết tận gốc vấn đề này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS