Đến năm 2015, phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết nêu rõ, đến 2015, các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường
Tại Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/7, đã nêu rõ: từ nay đến 2015, các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước.
Chính phủ nhận định, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm... |
Từ nay đến 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể.
Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
Việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
Chính phủ giao Bộ Tài chính cử kiểm soát viên tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước để theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước./.