Đến năm 2020, Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế
VOV.VN -Các mục tiêu khác đặt ra như: vững chắc về quốc phòng-an ninh, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của dân cư...
Sáng nay (1/10), tại thành phố Quảng Ngãi, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo Quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội thảo. Dự hội thảo còn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Lãnh đạo các Bộ ban ngành Trung ương, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư trong cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 28km có vị trí chiến lược rất quan trọng trong vùng biển miền Trung nói riêng và biển Đông nói chung. Lý Sơn có nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng, chế biển thủy sản và du lịch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định, huyện đảo Lý Sơn có nhiều tiềm năng về du lịch và những tư liệu quý về Hoàng Sa, có mối liên hệ gần gũi và chặt chẽ với các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận.
Nằm trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời là đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu Dung Quất, Lý Sơn có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng.
Để tiếp tục thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, cần phát triển mạnh kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền đất nước: “Mục tiêu đến năm 2020, Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng-an ninh, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của dân cư trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao; phấn đẩu trở thành một huyện đảo xanh, sạch đẹp; là một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, vị trí rất quan trọng của huyện đảo Lý Sơn đối với an ninh quốc phòng. Đây là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển nhưng là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển Lý Sơn một cách bền vững, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải làm tốt công tác quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch an ninh quốc phòng, các phân khu chức năng, sắp xếp lại dân cư một cách khoa học, đào tạo lại nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh nguồn lực tại chỗ, xem đây là khâu đột phát trong phát triển bền vững.
Về vấn đề phát triển huyện đảo Lý Sơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang tập trung hỗ trợ địa phương thực hiện những có hiệu quả các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2015-2020.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên một số cơ chế chính sách sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong vài ngày tới. Theo đó, Lý Sơn sẽ được áp dụng một số chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên bố trí từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác để triển khai nhiều dự án trọng điểm cấp bách đang đầu tư dang dở như: dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, đường cơ động phía Nam đảo Lý Sơn giai đoạn 2 và dự án cấp nước sạch sinh hoạt đảo Lý Sơn;
Đồng thời ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước khởi công một số công trình mới; mức hỗ trợ vốn đầu tư được áp dụng ở mức cao nhất theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản; khuyến khích các nhà đầu tư triển khai các dự án BOT,BT để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về chính sách ưu đãi đầu tư, các nhà đầu tư vào làm ăn tại Lý Sơn được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong vòng 40 năm qua, đảo Lý Sơn đã bị xâm thực nghiêm trọng. Bởi vậy, về những việc cần làm ngay đối với đảo Lý Sơn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương xây dựng phương án đầu tư bảo vệ đảo: “Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn phải rà soát, kiên quyết bảo vệ không được thu hẹp không được cấp đất cho các công trình trên đất trồng tỏi, bảo vệ đất trồng tỏi cho dân. Thời gian qua, Quảng Ngãi và chính phủ đã xây dựng đê kè bảo vệ đảo được 50%, phần còn lại Trung ương và tỉnh phải báo cáo để xây dựng tiếp không để 40 năm sau, diện tích đảo chỉ còn 40 mét vuông. Ngoài ra còn phải nghiên cứu tính toán lấp biển ở vùng biển cạn bằng cát từ đất liền”.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về thực trạng phát triển huyện đảo Lý Sơn, các định hướng lớn của tỉnh về phát triển huyện đảo Lý Sơn gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển trong tình hình mới, cơ chế huy động vốn phát triển kinh tế huyện đảo Lý Sơn. Hội thảo cũng nghe các tham luận trình bày về thực trạng và định hướng phát triển của Lý Sơn trong tương lai, ý tướng quy hoạch tổng thể huyện đảo Lý Sơn, phát triển giao thông vận tải, định hướng phát triển bền vững du lịch biển đảo.
Hội thảo Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn nhằm mục đích thu nhận được những thông tin, kiến nghị về phát triển huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thông qua hội thảo, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp đề xuất Chính phủ xem xét, phê duyệt định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn./.