Dệt công nghiệp đang lấn át dệt truyền thống
VOV.VN - Đây là nỗi trăn trở và lo lắng của những người dân Ê Đê tại Đắk Lắk khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang dần bị lãng quên bởi dệt công nghiệp.
Vào đầu năm nay Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức tại Đắk Nông nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và bảo tồn nghề truyền thống. Thế nhưng, thực tế nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang dần bị lãng quên bởi dệt công nghiệp.
Đối với người Ê-Đê tại Đắk Lắk nói chung và buôn Hra B, huyện Cư M’Gar nói riêng, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng trong mỗi gia đình không còn nhiều, thế hệ trẻ không mặn mà với nghề, khiến dệt thổ cẩm Ê-đê đang dần bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Thực tế này khiến các nghệ nhân lo lắng và trăn trở.
Với ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà H’Mưi Ayun (aduôn Djiêr) ở buôn Hra B, xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 35 năm. H’Mưi Ayun cho biết, với người Ê-đê, thổ cẩm làm ra vừa để sử dụng trong gia đình, làm quà tặng cho các dịp cưới hỏi, mừng nhà mới, quà lưu niệm khách quý. Để làm ra được sản phẩm thổ cẩm đẹp phải tốn rất nhiều thời gian công sức; đòi hỏi người dệt phải kiên trì, khéo léo.
Do nhu cầu sử dụng trong mỗi gia đình không còn nhiều, thế hệ trẻ không mặn mà với nghề, khiến dệt thổ cẩm Ê-đê đang dần bị mai một (Ảnh minh họa/Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Đắk Lắk). |
Đối với bà H’Mưi Ayun, việc dệt đã thành thói quen và bây giờ do tuổi đã cao nên mỗi năm chỉ làm được khoảng 60-70 sản phẩm. Trong đó, 1 bộ đồ nữ Ê-Đê bình thường có giá 1,4 triệu đồng, còn áo nam Ê-Đê với giá là 1,2 triệu đồng, còn những sản phẩm khác như chăn hay địu có giá từ 500.000 đồng trở lên,tùy sản phẩm.
Tuy nhiên, sản phẩm mà bà H’Mưi dệt ra, chủ yếu để sử dụng trong gia đình. Lâu lâu cũng có người tới đặt để làm quà cưới hỏi và để địu con. Theo bà H’Mưi, với mức độ tiêu thụ ít như vậy, người trẻ trong buôn Hra B không còn động lực để học nghề.
“Tất cả những cô gái mới lớn của thời chúng tôi bấy giờ đều biết dệt, rất cố gắng trong nghề dệt, thấy cha mẹ dệt chỉ muốn biết dệt cho bằng được. Còn hiện tại thì giới trẻ không có hứng thú gì với nghề truyền thống ông cha để lại, họ không còn quan tâm, đến chuyện trang phục, thấy đồ truyền thống cũng không còn muốn mặc. Tôi sợ rồi sau này sẽ mất đi phong tục mà ông trời đã ban cho dân tộc Ê-Đê mình”- bà H’Mưi chia sẻ.
Ông Y’Roanh Ayun (ama Ngựa), Buôn trưởng buôn Hra B, cho biết, buôn có 193 hộ, hiện chỉ có 8 hộ đang duy trì nghề dệt, trong đó mỗi hộ có 1 nghệ nhân và hầu hết là người lớn tuổi. Nhu cầu nghề dệt thổ cẩm không còn nhiều, đặc biệt thế hệ trẻ chỉ ưa chuộng thời trang hiện đại. Mặc dù nhà nước khuyến khích duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng thực tế nguồn thu nhập từ công việc này không đảm bảo cho cuộc sống.
Đã có một hợp tác xã được thành lập, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Buôn trưởng Y’Roanh Ayun lo lắng, với tình hình này, nghề truyền thống của người Ê-Đê trong buôn có nguy cơ thất truyền.
Theo Buôn trưởng Y’Roanh Ayun: “Nghề dệt thổ cẩm trong buôn đang diễn ra rất tiêu cực, số lượng duy trì nghề dệt còn rất hạn chế và là con số rất đáng lo ngại, độ tuổi đang theo nghề chỉ có những người cao tuổi, khoảng có thâm niên gần 30 năm trong nghề trở lên. Còn giới trẻ đa số có công việc riêng của mình, với lại giới trẻ không quan tâm mấy với nghề dệt nữa”.
Cũng với tinh thần lưu giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đến nay bà H’Blon Niê (aduôn H Rim, dân tộc Ê-Đê) ở buôn Hra B, xã Ee Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk lắk đã có gần 40 năm gắn bó với thổ cẩm.
Bà H’Blon Niê, cho biết, hiện nay do bị ảnh hưởng bởi môi trường hiện đại, dẫn đến các sản phẩm thổ cẩm truyền thống dần bị lãng quên khiến việc tiêu thụ rất khó khăn. Tuy vậy bà vẫn tiếp tục duy trì nghề dệt và mong một ngày nào đó nghề này sẽ được vực dậy.
“Tôi vẫn duy trì nghề truyền thống của ông cha ta để lại, nó đã in sâu trong tiềm thức từ lâu. Buôn Hra B hiện tại vẫn chưa có lớp học dệt nào cả, mong từ bây giờ cho đến sau này, nếu được sự hỗ trợ, tôi hy vọng mở được lớp học dệt để truyền nghề cho thế hệ trẻ hiện tại và về sau. Trong nghề dệt thì cũng mong có được thị trường tiêu thụ ổn định, đây là điều mà tôi mong mỏi. Sản phẩm bán được, thì mọi người có được bịch muối hay bột ngọt cũng vui rồi. Nhờ đó chị em nghệ nhân cũng có động lực hơn với nghề” - bà H’Blon Niê chia sẻ
Hy vọng chặng đường thu nhặt những giá trị truyền thống ở buôn Hra B sẽ không chỉ có 8 nghệ nhân như bây giờ, mà tương lai sẽ có những thế hệ bước tiếp học hỏi và tâm huyết với nghề dệt hơn. Từ đó bản sắc thổ cẩm của dân tộc Ê-Đê sẽ được vực dậy và mãi lưu truyền cho các thế hệ sau./.
Độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng