Dệt may đang mất lợi thế lao động giá rẻ

Các doanh nghiệp dệt may đang phải xoay xở bằng nhiều cách để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2012, ngành dệt may đã giảm gần 30% đơn hàng so với cùng kỳ năm trước. Bước sang tháng 8 này, tiếp tục có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ  không kiếm đủ đơn hàng cho sản xuất. Không có hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ việc để đi tìm việc làm khác có thu nhập tốt hơn.

Tại các doanh nghiệp lớn, hiện tượng xáo trộn nguồn nhân lực cũng không phải hiếm gặp do hầu hết các doanh nghiệp có quy mô 1.000 lao động trở lên thường tập trung ở các thành phố lớn, tính cạnh tranh trên thị trường lao động cũng cao hơn. Thậm chí có nơi tìm mọi cách thu hút lao động mùa vụ theo kiểu chụp giật  khiến người lao động có tâm lý không ổn định, thường nhảy việc để tìm kiếm việc làm mới với mức lương cao hơn ở nơi khác. Một hệ lụy khác của tình trạng biến động lao động ngành may là công nhân không có thâm niên nên tay nghề thấp, dẫn đến năng suất lao động không cao. Điều này khiến cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều chịu thiệt thòi. 

Đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, ngành dệt may đã ứng phó ra sao?  Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng giám đốcTổng công ty Cổ phần May 10 cho biết: May 10 chủ trương mang nhà máy về các vùng nông thôn. Cách làm này có thể giúp thu hút lao động nông thôn chưa có việc làm ổn định.

Bên cạnh việc thành lập các đơn vị vệ tinh, mở rộng liên doanh liên kết để kéo dãn lao động về các địa phương có nguồn cung lao động tại chỗ dồi dào, chuyển hóa từ số lượng sang chất lượng theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” là giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp lớn lựa chọn.

May gia công chiếm nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh từ may gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm). Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm hàng FOB do đòi hỏi nguồn vốn lớn, có thị trường và điều quan trọng là có đội ngũ lao động ổn định với trình độ tay nghề khá cao.

Bên cạnh những biện pháp mang tính chất đối phó tạm thời, các doanh nghiệp dệt may cần tính đến cách xây dựng đội ngũ công nhân ổn định, gắn bó với doanh nghiệp. Ông Phan Văn Kiệt- Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến cho biết kinh nghiệm của công ty là đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện Việt Tiến có trên 27.000 lao động với mức lương bình quân  5 triệu đồng/ người/ tháng.

Ngoài nỗ lực tự cứu mình, để giúp các doanh nghiệp dệt may duy trì được lợi thế về nguồn lao động trong thời điểm sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hiện nay, rất cần có sự hỗ trợ về chính sách. Ông Phạm Xuân Hồng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam  đề nghị nhà nước nên tiếp tục giãn, giảm thuế thu nhập để doanh nghiệp có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người lao động. Theo ông Hồng, một số phí khác như phí công đoàn, phí BHXH vẫn còn cao trong khi doanh nghiệp dệt may rất đông lao động nên đóng những phí này rất khó khăn.

Mức lương tối thiểu của người lao động liên tục được điều chỉnh tăng thêm cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tăng thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội. Đó là chưa kể đến nghịch lý giữa lương tối thiểu vùng với năng lực lao động  ngành may còn thấp khiến doanh nghiệp phải bù lương. Thực tế này đang là  một yếu tố làm giảm tính cạnh tranh và làm đau đầu không ít doanh nghiệp dệt may, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ hơn dựa trên đặc thù  của mỗi ngành nghề, nhất là ngành có tới hàng triệu lao động như dệt may ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên