Dệt may Việt Nam “hút” vốn đầu tư nước ngoài
VOV.VN -Với lợi thế về nhân công, môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam được dự báo sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
>> Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sắp sửa “hốt vàng”
Hôm nay (25/6), tại Hà Nội diễn ra “Diễn đàn Dệt May Việt Nam 2015”, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi.
Theo Hiệp hội Bông-sợi Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh về năng lực sản xuất, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới.
Đến năm 2030, quy mô sản xuất hàng dệt may toàn thế giới sẽ mở rộng gấp đôi so với hiện nay. Doanh số đạt hơn 1.660 tỷ USD; sản lượng của khu vực châu Á sẽ chiếm khoảng 60% sản lượng dệt may thế giới, quy mô sản xuất tại châu lục này cũng sẽ tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm hiện nay.
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về nhân công, môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, nên dự báo sẽ là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư dệt may lớn trên thế giới.
Diễn đàn dệt may Việt Nam 2015 |
Tại diễn đàn, các Tập đoàn dệt may và các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ thông tin thị trường dệt may quốc tế và cơ hội ngành dệt may Việt Nam; xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà sản xuất dệt may thế giới, phương thức liên kết các chuỗi cung ứng quốc tế của các thương hiệu toàn cầu…
Các đại biểu nhận định, ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới cần khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các khâu trong chuỗi sản xuất như dệt nhuộm; đồng thời, khai thác hết các tiềm năng của thị trường trong nước, tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tại một thị trường nhất định.
Để đón làn sóng đầu tư vào ngành dệt may và chuẩn bị tâm thế gia nhập các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may sẽ phải nỗ lực để kêu gọi các doanh nghiệp kể cả nước ngoài cũng như trong nước đầu tư vào những điểm yếu nhất.
Ngoài ra, theo bà Dung, cần phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu phụ trợ, để tận dụng được các thành phẩm của nhau để làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may. Như vậy, dệt may Việt Nam mới đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ FTA, trong đó có TPP./.