Những ngôi nhà làm xấu Thủ đô

Bài cuối: Nhà mỏng trước giờ “khai tử”

Được tuyên truyền, chủ “sở hữu” những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đã đồng tình với chủ trương của thành phố xóa loại nhà này, làm cho đô thị đẹp hơn.

Sự đồng tình lan rộng

Việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo thu hút được sự quan tâm của người dân. Ai cũng vui mừng và đồng tình với quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội trong việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo. Bà Nguyễn Thị Khai, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, hồ hởi: Một thành phố văn minh lịch sự như Hà Nội thì không thể để những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhếch nhác làm xấu cảnh quan đô thị.

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: Sự vào cuộc kiên quyết của lãnh đạo thành phố đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội.

Hơn 4 năm qua, gia đình bác Vũ Danh Đường phải dựa vào ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo với diện tích chưa đầy 5m2 tại số nhà 200 phố Kim Mã để sống. Ngôi nhà nằm trên trục chính đường Kim Mã nên việc kinh doanh điện thoại di động, bán sim, thẻ nạp ở đây thuận tiện, đắt khách. Tâm sự với chúng tôi, bác Đường cho hay, nếu rời bỏ ngôi nhà này gia đình bác chưa biết phải làm gì để mưu sinh. Nguyện vọng của gia đình bác Đường lúc này là mong thành phố có cơ chế để hai hộ gia đình trước và sau được hợp khối ngôi nhà, sao cho người đằng sau mua lại mảnh đất không thể ép giá người đằng trước.

Việc hình thành ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo của gia đình anh Lương Văn Thắng tại số nhà 365 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cũng có lý do. Khi thành phố mở rộng nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, gia đình anh đã chấp hành nghiêm chỉnh việc chính quyền quận Thanh Xuân thu hồi mảnh đất rộng 381m2 do bố mẹ để lại cho 7 anh, em. Ngôi nhà 2,5 tầng trên mảnh đất này bị cắt đi, chỉ còn diện tích gần 5m2. Anh Thắng cũng nói thẳng, gia đình anh không muốn sống trong ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhìn thấy chúng bạn “nhà cao, cửa rộng” anh cũng chạnh lòng. Tiếp nhận thông tin chính quyền sẽ xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, gia đình anh Thắng có hai nguyện vọng. Một là, được hợp khối với hộ gia đình phía sau. Hai là, trường hợp không thể hợp khối, chính quyền tạo điều kiện để gia đình anh được mua một căn hộ tái định cư, để đảm bảo việc sinh hoạt hằng ngày.

Một ngôi nhà cao ngất ngưởng nhưng cực mỏng trên đường
Khuất Duy Tiến, Hà Nội

Bài học từ xóa nhà siêu mỏng

Ngày 28/2/2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 39/2005/QĐ-TTg, về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng. Tại điểm b, khoản 2, Điều 3, quyết định ghi rõ: “Nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Nếu phần diện tích đất còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tiếp tục mọc lên. Điều đó cần khẳng định, không thể đổ lỗi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên là do thiếu quy hoạch. Thực chất, chính quyền cấp xã, phường, quận, huyện, thị xã, lực lượng thanh tra xây dựng đã không thực hiện nghiêm chỉnh quyết định số 39/2005/QĐ-TTg, ngày 28/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, lực lượng thanh tra xây dựng, chính quyền ở một số địa phương buông lỏng quản lý, yếu kém về trình độ năng lực. Khi phát hiện vi phạm trật tự xây dựng thì xử lý không kiên quyết, vị nể, chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền. Cá biệt, có trường hợp bao che, dung túng cho hành vi vi phạm, trục lợi cá nhân, dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép, nhà siêu mỏng, siêu méo… gây bức xúc trong dư luận.

Làm việc với phóng viên TNVN, ông Nguyễn Thụ Đát, Trưởng phòng quản lý đô thị UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tái phát trên địa bàn mình quản lý. Điều quan trọng là chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm tăng cường chất lượng lực lượng thanh tra, quản lý đô thị dưới cơ sở.

Đối với những dự án đã được phê duyệt, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành của thành phố khẩn trương rà soát, đề xuất bổ xung quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định về quản lý dự án đầu tư, đảm bảo nguyên tắc: Khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án phải có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo.

Về nguyện vọng của người dân được mua nhà tái định cư, ông Lưu Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã xây dựng phương án tái định cư cho người dân để trình thành phố xem xét và cho ý kiến chỉ đạo. Chính quyền khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiến hành hợp khối ngôi nhà. Còn giá cả là do các hộ gia đình tự thỏa thuận với nhau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên