Bất động sản du lịch “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19
VOV.VN - Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh lưu trú chịu ảnh hưởng lần thứ 2 của dịch Covid-19, nhiều khách sạn treo biển bán khi không cầm cự được.
Kinh doanh lưu trú còn khó khăn dài
Bất động sản du lịch, kinh doanh sau đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm chưa thể phục hồi lại hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Điểm bùng phát dịch Covid-19 lại xuất phát từ Đà Nẵng - một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và tác động đến tất cả các trung tâm du lịch khác.
Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng giám đốc Khách sạn Hạ Long Pearl cho biết, khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong tháng 8 và tháng 9 - những tháng cuối cùng của mùa du lịch hè.
“Tháng 7 khách sạn mới có khách, doanh thu thì không đạt như mọi năm vì đơn vị tham gia kích cầu giảm giá. Những thông tin về các ca Covid-19 mới khiến nhiều khách hủy lịch lại khiến việc kinh doanh khó khăn. Mỗi tháng doanh thu khách sạn phải đạt từ 3-4 tỷ đồng mới đảm bảo chi phí vận hành 162 phòng và trả lương nhân viên nhưng thời điểm này đang phải bù lỗ” - bà Nguyễn Thị Liên nói.
Đến tháng 9 kết thúc mùa du lịch hè, các khu du lịch chờ đợi mùa cuối năm với chủ yếu là khách nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nước đóng cửa đường bay quốc tế, du lịch cuối năm gần như sẽ rất ít khách và các cơ sở lưu trú còn gặp khó, bà Liên phân tích thêm.
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, dịch bệnh đầu năm nay doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã kiệt quệ, thêm một đợt nữa khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Nhiều nhà hàng, khách sạn rao bán tại Đà Nẵng đây cũng là quy luật thị trường và đó là thực tế khi các cơ sở không duy trì được hoạt động.
“Một số nhà đầu tư kinh doanh lưu trú với quy mô không lớn và khả năng tài chính yếu không chịu được áp lực thì phải bán cắt lỗ, chỉ tập trung ở phân khúc 1-3 sao. Số lượng các cơ sở kinh doanh này cũng không quá nhiều” - ông Cao Trí Dũng cho biết.
Tỷ lệ tiêu thụ của bất động sản du lịch chỉ bằng 1% so với năm trước
Hoạt động kinh doanh các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng “đòn bẩy” cho bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, dự kiến giảm đến 90 - 95% doanh thu trong 8 tháng của năm 2020. Điều này cũng khiến thị trường bất động sản du lịch gần như đóng băng.
Các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán rất ít. Theo thống kê của Công ty Bất động sản DKRA Việt Nam trong quý 2 năm 2020, thị trường chỉ đón nhận 4 dự án mở bán, cung ứng 128 căn biệt thự biển, tăng gấp 8 lần so với quý trước nhưng chỉ bằng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỉ lệ tiêu thụ rất khiêm tốn chỉ đạt 10% nguồn cung mới (khoảng 13 căn), chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng condotel (căn hộ nghỉ dưỡng) chỉ 2 dự án mới được mở bán, cung cấp ra thị trường 158 căn, tăng 93% so với quý 1 năm 2020 (82 căn) nhưng chỉ bằng 4% so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 3.824 căn). Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 20% nguồn cung mới, chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, phân khúc thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vốn đã chịu tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm nay tiếp tục ảnh hưởng. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel vốn đã ảm đạm từ đầu năm nay tiếp tục giảm sút.
“Bất động sản du lịch ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên sự giảm sút diễn ra ở các phân khúc và ở các thị trường không riêng Đà Nẵng. Nhà đầu tư sẽ thận trọng, mang tâm lý “cố thủ” để nghe ngóng xem xét thị trường, xem việc kiểm soát dịch bệnh… giao dịch trên toàn thị trường giảm nhiều” - ông Điệp nhận định./.