Bất động sản ở Quảng Ninh bị “đẩy giá”, nhiễu loạn
VOV.VN - Sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản tại thành phố Hạ Long, Uông Bí và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) sôi động trở lại.
Tuy nhiên, sự sôi động này không xuất phát từ nhu cầu thực tế mà có dấu hiệu của "những bàn tay" thao túng khiến nhiều người có nhu cầu thực sự không thể mua một mảnh đất để an cư. Và quan trọng hơn, sốt đất ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Cơn sốt đất ảo đã lan đến làng Bang, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long khiến vùng quê vốn bình yên bên cạnh dòng Cửa Lục trở lên nhộn nhịp. Xe ô tô biển số Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh tấp nập ra vào. Người dân làng Bang từ những anh nông dân, chị bán tạp hóa và cả bác bán nước chè bỗng chốc trở thành những người môi giới đất, tư vấn bất động sản sành sỏi...
Chỉ về khu đất dân cư trên trục đường chính của làng, một người dân sinh sống ở khu trạm điện 500KV, xã Thống Nhất cho biết: “Trong đó bây giờ khách khứa vào xem đất đông lắm. Giá đất tăng lên chóng mặt. Năm ngoái một lốt đất có giá trung bình từ 800-900 triệu, bây giờ lên 1,6 - 1,7 tỷ đồng. Thực chất lúc được cấp chỉ có mấy chục triệu. Các dự án bên cạnh như FLC, Diễm Loan hay Phúc An toàn 30-40 triệu/m2”.
Giá đất trong làng từ 3 triệu đồng lên 8 triệu đồng rồi 15 triệu đồng/m2 chỉ trong thời gian ngắn. Có mảnh đất từ cuối năm ngoái là 800-900 triệu đồng nay đã đội lên gần gấp đôi. Các khu đất nền chưa có hạ tầng được thổi giá đến chóng mặt khiến người ta có cảm giác mỗi tấc đất ở làng bỗng chốc thành tấc vàng trong giây lát.
Sự việc sôi động tới mức, thành phố Hạ Long phải ban hành văn bản cảnh báo đây là hoạt động "thổi giá" của một số nhóm chuyên đầu cơ, mua đi, bán lại bất động sản. Với kịch bản được các đối tượng đầu cơ sử dụng là mua đất các tại Dự án từ trước với mức giá rẻ, sau đó sử dụng thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị tung ra thị trường gây nên tình trạng “sốt” đất.
Thực chất đây là các hoạt động mua đi bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường, tạo các giao dịch “mồi” để dụ các khách hàng "nhẹ dạ cả tin". Khi người dân đầu tư mua hết các giao dịch, hoạt động tạo sốt đất ảo sẽ chấm dứt, người dân sẽ mắc kẹt.
“Trong giới đất có những người tay to, gọi là cá mập. Họ mua đất của mình, sau khi mình bán đi họ lại cho người khác hỏi đúng ô đó với giá cao hơn để mình tiếc mình lại ôm vào. Đất ở khu làng Bang hiện đang rất ảo” - một người có thâm niên trong lĩnh vực môi giới BĐS chia sẻ.
Sau khi có thông báo của thành phố Hạ Long, các giao dịch đã tạm lắng. Tuy nhiên, việc môi giới, buôn bán trao tay và làm giá bất động sản vẫn diễn ra. Đáng lo ngại là việc sốt đất không chỉ diễn ra trên địa bàn thành phố Hạ Long, mà còn diễn ra ở Uông Bí, Quảng Yên… nơi đang có nhiều kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị.
Anh Đỗ Văn Bé, người dân xã Tiền Phong và anh Nguyễn Văn Khánh, người dân phường Hà An, thị xã Quảng Yên bức xúc: “Bây giờ ngay mặt đường xóm Nam, xóm Đông xã Liên Vị, Liên Hòa đã lên tới 30-40 triệu/m2. Vì vậy nếu là công nhân sẽ rất khó có đất mà mua. Cứ mỗi lần tích cóp, chuẩn bị một món tiền thì giá đất lại tăng cao, nên không thể mua nổi. Chúng tôi mong muốn chính quyền có chế tài để xử lý cò đất, thổi bong bóng giá đất lên để công nhân chúng tôi đủ tiền mua một chỗ để ở”.
Nhiều bài học nhãn tiền từ hệ quả của việc sốt đất ảo, khi sóng đất qua đi, để lại những gia đình vỡ nợ vì vay tín dụng đen, vay lãi ngân hàng để đầu tư. Việc đẩy giá đất cao cũng khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương gặp nhiều khó khăn, làm xáo trộn đời sống của một khu vực... Vì vậy, khi có nhu cầu mua bán bất động sản, người dân cần tỉnh táo, nắm bắt thông tin chính thức từ phía chính quyền địa phương để không trở thành "con mồi" cho những kịch bản viết sẵn của những nhà đầu cơ./.