Bổ sung quy chuẩn xây dựng chung cư để đảm bảo an toàn không gian sống
VOV.VN - Những quy chuẩn xây dựng đảm bảo an toàn là căn cứ để chủ đầu tư thực hiện, cơ quan chức năng giám sát và khách hàng soi chiếu khi tiếp nhận nhà.
Thời gian gần đây, thỉnh thoảng lại xảy ra vụ trẻ em rơi từ nhà cao tầng. Thực tế đau lòng này đặt ra câu hỏi: Các khu chung cư được xây dựng đã thực sự chú ý đến vấn đề an toàn cho cư dân, nhất là trẻ em?
Quy định lan can chung cư cao tầng có chiều cao từ 1,1-1,4m không còn phù hợp với thực tế hiện nay. |
Quy định xây dựng chung cư không còn hợp lý
Vụ việc đau lòng xảy ra gần đây nhất là vào ngày 3/3/2019 tại chung cư Rice City Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thể, ngày 3/3, anh V.A.D trú tại một chung cư ở gần Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội đưa con trai là cháu V.Đ.Q (4 tuổi) đến gửi tại nhà chị vợ ở tầng 3 tòa Trung, chung cư Rice City Linh Đàm.
Khoảng 11h40 cùng ngày, chị H. đi ra ngoài, sơ ý để cửa bị sập chốt không mở được. Lúc này, trong nhà chỉ có một mình cháu Q. Trong khi đang nhờ bảo vệ tòa nhà lên mở cửa thì cháu Q. trèo lên cửa sổ không có chấn song và bị ngã xuống tầng 1. Bé trai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân Y 103 ở quận Hà Đông, cách hiện trường khoảng 4km, nhưng đã tử vong.
Hiện nay tại không ít khu chung cư, công tác đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống chưa được coi trọng. Vì thế, tai nạn không chỉ xảy ra với trẻ em mà còn xảy ra với cả người lớn. Ví như vụ việc xảy ra ngày 28/2/2019, một nam thanh niên đã tử vong vì rơi từ tầng cao chung cư Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Hiện hầu hết lan can tại các khu chung cư cao tầng có chiều cao từ 1,1-1,4m với những khe dọc và khoảng trống giữa các khe khá rộng. Một số tòa nhà được xây dựng thời gian gần đây, cửa sổ còn không có song sắt, chỉ lắp đặt cửa kính, có đóng mở rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nhiều gia đình có con nhỏ đã nhận ra ngay mối nguy ấy nên tự mua lưới nilong về lắp đặt, nhưng có những gia đình vẫn chủ quan.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Viện Kiến trúc Quốc gia) lý giải tình trạng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn tại khu chung cư hơn trước vì tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh, cư dân sống trong khu chung cư ngày càng nhiều, trong khi trước khi chuyển đến ở họ chưa được chuẩn bị về tâm lý, thói quen hay có những hiểu biết chưa đầy đủ về những mối nguy khi ở chung cư.
Bên cạnh đó, trong thiết kế, xây dựng, chủ đầu tư, nhà thiết đôi khi quan tâm nhiều hơn đến tính chất thương mại, yếu tố bắt mắt mà chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống.
KTS Trần Huy Ánh chia sẻ, nếu trước kia chủ yếu là tòa nhà, chung cư thấp tầng thì nay ngày càng có nhiều tòa nhà, chung cư cao tầng mọc lên, nhưng vẫn được áp theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008. Trong quy chuẩn này quy định, lan can các nhà cao tầng, khu chung cư chỉ cao từ 1,1-1,4m, là không còn phù hợp với hiện nay. Ở chung cư cao tầng, những khoảng không gian trống đều phải làm kín, chứ không chỉ làm cái lan can cao từ 1,1-1,4m.
Cần bổ sung, hoàn thiện quy chuẩn xây dựng mới
KTS Trần Huy Ánh đề xuất, cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Xây dựng, phải nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mới để đáp ứng yêu cầu an toàn trong cuộc sống.
Những quy chuẩn xây dựng đảm bảo an toàn là căn cứ để chủ đầu tư thực hiện, cơ quan chức năng giám sát và khách hàng soi chiếu khi tiếp nhận nhà. |
“Có những rủi ro mà chủ đầu tư và người sử dụng không hình dung hết được. Nếu Bộ Xây dựng có những quy chuẩn xây dựng đảm bảo an toàn sẽ là thước đo để chủ đầu tư căn cứ vào đó mà thực hiện, các cơ quan chức năng căn cứ vào đó để giám sát và khách hàng khi mua sản phẩm soi chiếu vào đó để tiếp nhận hàng hóa”, KTS Huy Ánh góp ý.
Theo KTS Trần Huy Ánh, khi thiết kế bất kỳ một ngôi nhà hay nơi vui chơi nào cho trẻ thì yếu tố đầu tiên được đặt ra là vấn đề đảm bảo an toàn.
Trong khi Bộ Xây dựng chưa có quy chuẩn mới, KTS Trần Huy Ánh lưu ý, người dân sinh sống ở những tòa nhà chung cư nên trang bị cho gia đình những hiểu biết, những kỹ năng để phòng tránh rủi ro, tham khảo ý kiến KTS để họ tư những giải pháp trang bị thêm cho căn hộ của mình những trang thiết bị đảm bảo cho không gian sống của gia đình an toàn.
Đồng tình với ý kiến này, TS. tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, vấn đề an toàn trong các khu chung cư, tòa nhà cao tầng đã báo động từ lâu nhưng các cơ quan chức năng chưa thực sự bắt tay vào cuộc. Vì thế, việc cần làm ngay là bố mẹ phải nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, nhận thức đúng những rủi ro rình rập để dạy con cách phòng tránh.
TS. Kim Quý cho biết, bà thường tham gia những lớp tập huấn về an toàn cho trẻ trong trường học, trong gia đình, nhưng an toàn trong chung cư chưa được chú trọng.
“Việc đảm bảo an toàn cho người dân nói chung và trẻ nhỏ nói riêng tại các khu chung cư cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bên liên quan để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như trong thời gian vừa qua” - TS Kim Quý nêu ý kiến./. Những tiêu chí của một chung cư an toàn