Cam kết lợi nhuận từ dự án condotel, chỉ Việt Nam mới có
VOV.VN - Việc cam kết lợi nhuận cho các dự án condotel chỉ Việt Nam mới có, đó là sự thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư khi muốn thu hút nhà đầu tư vào dự án.
Chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp mới cam kết lợi nhuận
Thông báo gửi khách hàng, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) cho biết chỉ trả lợi nhuận theo cam kết đến ngày 31/12/2019 với các chủ sở hữu condotel. Từ năm 2020, mức trả lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ được thoả thuận với khách hàng theo các phương án đưa ra. Khi mở bán dự án, cam kết lợi nhuận được chủ đầu tư đưa ra là 12% mỗi năm.
Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí có tổng diện tích 51 ha tại Ngũ Hành Sơn được khởi động từ 5 năm trước với mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Dự án hứa hẹn triển khai khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3-5 sao, trong đó đa số là condotel. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới triển khai và đưa vào vận hành khoảng 3.000 phòng.
Ảnh minh hoạ. |
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, cam kết lợi nhuận là đặc thù khá riêng của Việt Nam mà chẳng giống ai, trên thế giới không có chuyện cam kết lợi nhuận, nếu cùng nhau đầu tư thì chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp phải cùng nhau chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong kinh doanh.
“Tại Việt Nam một số chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng “sáng tác” ra việc cam kết lợi nhuận để kéo các nhà đầu tư. Đây là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư. Mối quan hệ ở đây là quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư, việc không thực hiện cam kết trên hợp đồng, các bên có thể khởi kiện ra toà” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Cơ sở pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng cũng chưa rõ ràng, nhất là phân khúc condotel. Giải quyết vấn đề này hoàn toàn nằm trong tay các cơ quan quản lý và các cơ quan quản lý phải đẩy nhanh tiến độ, xác định khung pháp lý toàn diện mới có cơ hội để thị trường phát triển. Hiện việc chờ đợi khung pháp lý, nhiều nhà đầu tư bị chôn vốn ở dự án không biết làm gì, GS Đặng Hùng Võ, phân tích thêm.
Tín dụng cho thị trường bất động sản “khô hạn”
Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 1/10/2022, một quy định nữa là việc NHNN đã tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay phục vụ đời sống cá nhân có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên, trong đó phần nhiều là vay mua bất động sản.
TS Lê Trí Hiếu chuyên gia tài chính cho rằng, tỷ lệ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% là hợp lý. Trên thế giới, các nước chỉ để ở mức 20%, ngưỡng của Việt Nam tuy còn cao nhưng phù hợp với điều kiện thị trường cụ thể.
“Khi tín dụng thu hẹp, các ngân hàng phải tuân thủ theo quy định. Các nhà kinh doanh bất động sản tính phương án thay thế như phát hành trái phiếu bất động sản. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được mà phải là đơn vị có uy tín và thương hiệu” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải qua một quá trình sàng lọc, điều này rất tốt cho thị trường và cả nền kinh tế. Với các công ty nhỏ, năng lực tài chính hạn chế thì nên sáp nhập với các công ty mạnh hơn để tồn tại và phát triển, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết./.
Cấp sổ đỏ lâu dài cho condotel đang là trái quy định của pháp luật