Tiềm ẩn rất nhiều rủi ro từ căn hộ condotel
VOV.VN - Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho loại hình căn hộ condotel phát triển lành mạnh.
Cùng với sự phát triển “nóng” của thị trường bất động sản ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cũng ồ ạt xây dựng căn hộ khách sạn - condotel. Việc ra đời loại hình kinh doanh này đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý, bởi khung pháp lý hiện hành chưa rõ ràng.
Cần khung pháp lý rõ ràng đối với căn hộ condotel. (Ảnh minh họa: KT). |
Khu nghỉ dưỡng, chung cư kết hợp khách sạn này vừa mọc lên tại thành phố Đà Nẵng. Đối diện Ánh Dương là dự án Condotel Times Square cao từ 23 đến 30 tầng, với gần 600 căn hộ, khách sạn. Các dự án này đầu tư xây dựng ở các khu thương mại dịch vụ nhưng chủ đầu tư lại rao bán với hình thức sở hữu lâu dài hoặc ít nhất là 50 năm.
Với cách đánh tráo khái niệm “nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở”, nhiều chủ đầu tư dự án condotel đã lách luật để giao dịch. Điều này dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng trong tương lai.
Bên cạnh đó đã nảy sinh hàng loạt những bất cập như: mật độ tập trung dân cư tăng đột biến gây quá tải hạ tầng giao thông, cấp thoát nước; thiếu các công trình thiếu yếu như nhà trẻ, bãi giữ xe, công viên…
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TAT Law Firm cho rằng, vấn đề khiến nhiều người lo lắng là tính pháp lý với condotel chưa được hoàn thiện.
"Chủ đầu tư có những hình thức chuyển nhượng cho các cá nhân. Thế nhưng chuyển nhượng mới dừng lại ở thỏa thuận giữa 2 bên mà chưa được Nhà nước thừa nhận. Từ đó nảy sinh ra việc xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên với nhau chưa rõ và quản lý Nhà nước sao cho phù hợp với loại hình đặc biệt này", luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cam kết lợi nhuận là hình thức mà chủ đầu tư các dự án condotel đưa ra để thu hút khách hàng. Trên thị trường hiện nay, cam kết lợi nhuận dao động từ 8% đến 12%. Tuy nhiên, condotel phụ thuộc phần lớn vào khách du lịch, chỉ cần thị trường du lịch sụt giảm thì rủi ro về đầu tư loại hình này sẽ bị ảnh hưởng.
"Như vậy, việc chuyển đổi condotel thành căn hộ để ở hoặc cho thuê lâu dài cũng khó khăn, bởi chi phí quản lý dạng condotel cao hơn rất nhiều so với chi phí quản lý căn hộ bình thường", ông Châu nói.
Thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, cam kết lợi nhuận mơ hồ, nhiều rủi ro, nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị nếu thiếu kiểm soát, đó là 3 vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản căn hộ condotel ở nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, condotel là loại hình bất động sản mới, Luật Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở đều chưa quy định cụ thể, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
"Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho loại hình sản phẩm này phát triển lành mạnh", ông Đặng Việt Dũng nói./. Condotel và hai vướng mắc pháp lý cần tìm lời giải
Nhiều địa phương đã có chính sách “mở đường” cho condotel