Cần có cơ chế cho “đất vàng”
Đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách chung nên các cơ quan đều đang làm theo phương án của mình.
Một vấn đề đáng lưu ý khi di dời trụ sở một số cơ quan Nhà nước, trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô là việc khai thác những khu “đất vàng” như thế nào vẫn chưa ngã ngũ. Phóng viên VOV phỏng vấn KTS Trần Ngọc Chính (ảnh bên), Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa ông, nhiều trụ sở cơ quan thuộc diện phải di dời ở Hà Nội nằm trong những khu được gọi là “đất vàng”. Chủ trương di dời trụ sở đã có, nhưng hiện vẫn chưa có một quy chế, một chính sách nào đối với các khu “đất vàng” này?
KTS Trần Ngọc Chính: Đúng như vậy, hiện nay việc di dời trụ sở các cơ quan Nhà nước, bệnh viện, trường đại học ra khỏi Thủ đô Hà Nội đã được xác định trong quy định vùng Thủ đô, gần đây nhất là trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011. Đây là chủ trương phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô bền vững, cũng như để giảm áp lực về dân số, về hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách chung nên các cơ quan đều đang làm theo phương án của mình.
Phải nói rằng, việc di dời trụ sở của các bộ, ngành ra khỏi trung tâm nội thành Hà Nội hiện triển khai rất chậm. Hiện nay, mới có Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an thực hiện di dời và trụ sở Bộ Ngoại giao đang được xây dựng.
PV: Một số cơ quan đã di dời, nhưng vẫn giữ trụ sở cũ với lý do “còn nhu cầu sử dụng”. Ông có cho rằng, đây là một trong những tính toán để giữ “đất vàng” hay không?
KTS Trần Ngọc Chính: Việc họ có tính toán để giữ lại “đất vàng” hay không thì chúng ta phải xem xét cụ thể. Phải xem lại đề án di dời, trụ sở mới có đủ diện tích làm việc theo nhu cầu hay chưa, còn nếu trụ sở mới đã đủ chỗ làm việc thì không có lý do gì để giữ trụ sở cũ cả.
PV: Nhiều cơ quan khác chưa di dời được do thiếu nguồn ngân sách để xây dựng trụ sở mới. Và giải pháp khai thác khu “đất vàng” nơi trụ sở cũ được tính đến. Ông đánh giá thế nào về hướng đi này?
KTS Trần Ngọc Chính: Có thể thấy, trụ sở các bộ, ngành trong khu vực nội thành đều ở những vị trí đặc biệt, trên những con đường rất phù hợp với mục đích phát triển các công trình dịch vụ, thương mại. Theo tôi, việc khai thác các vị trí này cũng rất quan trọng vì nó liên quan đến vấn đề tạo vốn để xây dựng trụ sở mới. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét từng khu vực, vị trí, diện tích để xem các vị trí đó có thể xây dựng các công trình gì cho phù hợp với quy hoạch, có thể là viện nghiên cứu, khu vui chơi hoặc các công trình công ích.
Nhưng khi mong muốn dành nhiều diện tích cho các công trình công ích, có thể sẽ khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vì họ không thấy lợi nhuận cao?
Phải lấy tiềm năng của các khu đất ấy, với việc đấu giá quyền sử dụng đất để làm yếu tố chính. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải tính đến lợi nhuận.
Vì vậy, cũng phải tính đến vai trò của Nhà nước, nếu cần thì Nhà nước cũng phải bỏ vốn để đảm bảo các mục tiêu công ích. Cần có những chính sách đặc thù để hài hòa lợi ích chung. Ví dụ, nếu một nhà đầu tư muốn đầu tư vào khu “đất vàng” nhưng lợi nhuận không đảm bảo, có thể xem xét giao cho họ quyền sử dụng khai thác thêm những miếng đất khác ở trong khu vực nội thành như kho tàng, bến bãi…
PV: Xin cảm ơn ông!./.