Chấn chỉnh hoạt động các sàn giao dịch bất động sản

Đoàn liên ngành C15 Bộ Công an và Thanh tra Bộ Xây dựng bắt đầu tiến hành thanh tra một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau gần 2 năm Thông tư số 13/2008/TT – BXD (bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn) có hiệu lực.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, kết quả thanh tra sẽ là một trong những cơ sở để Bộ Xây dựng phân loại và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản.

** Ông có thể cho biết chính xác số lượng các sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động trên địa bàn cả nước?

Theo thống kê của chúng tôi, hiện cả nước có gần 400 sàn giao dịch bất động sản đã đăng ký hoạt động. Các sàn giao dịch này chủ yếu đặt tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng….

** Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trong gần 2 năm qua?

Kể từ đầu năm 2009, khi bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, các sàn giao dịch bất động sản đã bước đầu góp phần minh bạch hoá hoạt động của các công ty kinh doanh địa ốc, nâng cao tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, có những sàn sau khi đăng ký thành lập đã không có giao dịch hoặc có những giao dịch thiếu minh bạch, giao dịch các bất động sản chưa đầy đủ các yếu tố hợp pháp hoặc thực hiện không đúng chức năng về sàn giao dịch bất động sản.

** Vậy mục tiêu hướng đến của việc thanh tra các sàn giao dịch bất động sản lần này là gì?

Cuộc thanh tra lần này hướng đến những sàn giao dịch bất động sản thuộc sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty, công ty đang thực hiện những dự án xây dựng đô thị mới tại các địa phương. Kết quả của cuộc thanh tra sẽ giúp Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách trong công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà
** Trên thực tế, có một số chủ đầu tư dự án bất động sản tự lập sàn để thực hiện giao dịch chính các dự án của mình. Việc này có ảnh hưởng gì đến tính minh bạch trong giao dịch bất động sản không?

Việc chủ đầu tư dự án bất động sản thành lập sàn, về nguyên tắc không có gì sai. Tôi có hàng, tôi có quyền bán hàng, bán qua sàn nào là quyền của tôi. Chỉ có điều, đã là sàn giao dịch bất động sản thì phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn, khi được chủ đầu tư uỷ quyền giao dịch bất động sản, các sàn phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như công bố công khai trên sàn, sàn phải đảm bảo các yếu tố hợp pháp của bất động sản khi tiến hành giao dịch và chịu trách nhiệm về các giao dịch được thực hiện.

Thông tư số 13/2008/TT – BXD không nghiêm cấm việc chủ đầu tư dự án bất động sản thành lập sàn giao dịch, không ngăn cấm một sàn giao dịch bất động sản chỉ được quyền bán hay không bán sản phẩm của chủ đầu tư hay của một công ty đối tác nào đó.

** Được biết, Bộ Xây dựng cũng đang xem xét việc phân hạng các sàn giao dịch bất động sản. Ông có thể thông tin cụ thể hơn vấn đề này?

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu ban hành quy chế về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản để các sàn có thể chủ động hơn trong hoạt động của mình và người dân có thể thẩm định được tính minh bạch trong hoạt động của sản giao dịch bất động sản. Ví dụ, ngoài các tiêu chí về diện tích, nhân lực, các dịch vụ tối thiểu phải có… thì một sàn giao dịch bất động sản trong 1 tháng hoặc 1 quý cũng phải đảm bảo một lượng giao dịch nhất định, tránh việc có những sàn giao dịch mở ra nhưng không có giao dịch. Các tiêu chí cụ thể vẫn đang trong quá trình xem xét và bàn thảo nên chưa thể công bố cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên