Chung cư mini “nở rộ”, siết chặt quản lý bằng cách nào?
VOV.VN - Trước tình trạng “nở rộ” nhiều công trình chung cư mini tại Hà Nội, TP.HCM, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường quản lý đối với loại hình này.
Gây áp lực lên hạ tầng đô thị
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong giai đoạn 2010 – 2020 tại thành phố xuất hiện nhiều công trình dạng chung cư mini. Trong số này, có những công trình xây sai phép, ví dụ như: xây quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến loại hình chung cư mini này xuất hiện nhiều là do từ khi có Nghị định 71/2010 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) bắt đầu cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ.
Ông Châu nhận định, tình trạng chung cư mini xây dựng không tuân thủ theo quy định có một phần nguyên nhân do sự buông lỏng công tác quản lý Nhà nước ở chính quyền cấp cơ sở, gây ảnh hưởng xấu đến hạ tầng đô thị.
“Điều này phát sinh nguy cơ ổ chuột hóa, nguy cơ gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Đặc biệt, làm tăng tình trạng hệ thống thoát nước bẩn, từ đó gia tăng tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, những chung cư mini xây sai phép, tăng số căn hộ thì sẽ tăng số lượng người sử dụng. Từ đó nảy sinh vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong các chung cư mini đó.
Theo ông Nghĩa, cần có quy định rõ ràng để kiểm soát về mặt xây dựng nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn, trường hợp nào thì cho phép xây dựng loại hình chung cư mini, nếu cho phép thì kèm theo những điều kiện cụ thể.
Về trách nhiệm quản lý, ông Nghĩa cho rằng, chính quyền địa phương cũng phải có vai trò trong quản lý, giám sát việc xây dựng và tuân thủ quy định của các chủ đầu tư loại hình chung cư mini: “Chính quyền địa phương phải có sự phân công để kiểm soát định kỳ hoặc biện pháp nào đó, miễn không làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân. Cần có sự phối hợp giữa cộng đồng dân cư với chính quyền, chứ chính quyền không thể có điều kiện để đi kiểm tra, kiểm soát. Kết hợp như vậy sẽ hạn chế được hành vi trái phép đó”.
Loại hình chung cư mini phần nào đáp ứng được về nhu cầu chỗ ở của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của đô thị. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản pháp luật để “trám” những lỗ hổng, không để những chủ đầu tư lợi dụng "lách" quy định. Đồng thời, chính quyền cấp cơ sở ở mỗi địa phương cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm./.