Có nên cấp phép xây dựng tạm cho các dự án treo?

VOV.VN - Không ít dự án treo 15-20 năm nếu không được cấp phép làm nhà thì lợi ích của người có quyền sử dụng đất bị xâm phạm.

Tại hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều ĐBQH bày tỏ hy vọng Luật sẽ góp phần khắc phục được những khuyết điểm trước đây.

Quản lý chặt công tác quy hoạch, cấp phép

Theo các ĐBQH, việc đưa vấn đề quy hoạch xây dựng vào dự thảo Luật là cần thiết. Trong thực tế, khi chưa có quy hoạch thì chưa có cơ sở để đầu tư công trình mới. Quản lý quy hoạch xây dựng là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, không trong quy hoạch.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí là do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Quy hoạch xây dựng cùng cấp phép xây dựng là hai công cụ quan trọng nhất để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ đầu tư xây dựng. Vì vậy, việc cấp phép xây dựng cần phải kiểm soát chặt chẽ nhưng phải cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng cơ quan quản lý gây nhũng nhiễu cho người dân.

Nhiều dự án treo kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất. (Ảnh: Bizlive)

Quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vấn đề cấp phép xây dựng, nhiều ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát lại trình tự, thủ tục cụ thể nhằm đảo bảo tính khả thi, đồng thời xem xét việc cấp giấy phép tạm theo hướng phù hợp về quy mô, diện tích, chiều cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng rằng, nếu ban hành Luật này và thực hiện tốt Luật thì sẽ không còn những công trình bị cắt ngọn, những con đường như đường Kim Liên mới (Hà Nội).

Theo ĐB TP HCM Huỳnh Thành Lập, việc phát triển cần phải có quy hoạch, tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua người dân gặp khá nhiều phiền hà do nhiều dự án treo kéo dài. Việc kéo dài 5 năm, 10 năm hay 20 năm là đụng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất. Trong Dự thảo đã đưa ra quy định về giấy phép xây dựng tạm, đề nghị nên nêu rõ thời gian cụ thể, như trong 10-15 năm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập cho rằng, cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân ở trong khu vực quy hoạch treo là cần thiết. Bởi trên thực tế, có không ít dự án treo 15-20 năm, nếu không được cấp phép làm nhà thì lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất bị xâm phạm.

Quan điểm này được các đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre)… ủng hộ. Theo các đại biểu, việc này sẽ giảm bớt khó khăn cho người dân vướng phải dự án chưa được triển khai trong nhiều năm và là quyền lợi chính đáng của người dân. Các ĐB cũng đề nghị cân nhắc thêm khái niệm cấp phép xây dựng tạm, có thể thay bằng giấy phép xây dựng có thời hạn.

Đồng thời, các ĐBQH đề nghị việc mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng cần có quy định bắt buộc ở một số khâu chứ không nên chỉ khuyến khích nhằm đảm bảo chất lượng công trình xây dựng như trong khâu thiết kế, thi công xây dựng… Vì thực tế cho thấy, các chủ thể tham gia sẽ khó tự nguyện mua bảo hiểm.

Bày tỏ sự ủng hộ Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) song ĐBQH Trần Du Lịch cũng lưu ý dự thảo Luật cần làm rõ về quy hoạch chi tiết vì vấn đề này chưa thấy Chính phủ hướng dẫn nên việc thi hành sẽ rất khó.

Theo ông Lịch, vấn đề quan trọng không phải là cấp phép xây dựng mà phải thực hiện theo quy hoạch. Như đường Điện Biên Phủ ở TP HCM, quy định chiều cao trung bình là 3,5 tầng, nhưng có những nhà sẽ được xây 10 tầng. Đây là chỗ hổng để người dân “chạy tầng”. Có đất lúc đấu giá là 10 tầng, nhưng sau khi chạy xong lại là 15 tầng. Thực tế cho thấy là chúng ta đang bị làm ngược, quy hoach đi trước lại thành ra lại đi sau.

Nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, ý kiến đóng góp của các đại biểu rất cụ thể, đa số các vấn đề lớn của dự thảo Luật đều nhận được sự đồng tình. Về các vấn đề cụ thể, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa. Như về vấn đề cấp giấy phép xây dựng tạm sẽ thay bằng giấy phép xây dựng có thời hạn, hay quy hoạch nông thôn nếu chưa có thì không phải có giấy phép…

Về quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng cho rằng việc đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, vì nếu chờ để có luật mới về quy hoạch phải sớm nhất là năm 2016…

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đa số đại biểu đều thống nhất dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cần thiết phải có quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch này phải tính đến trong mối quan hệ với các quy hoạch khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn… Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban Soạn thảo cần lấy thêm ý kiến đóng góp về quy hoạch xây dựng để đảm bảo tính khách quan.

Việc cấp phép xây dựng cũng cần rà soát lại theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng đảm bảo phải chặt chẽ, kỷ cương, khắc phục những hạn chế hiện nay.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Ban Soạn thảo cần nghiên cứu tất cả các ý kiến của các đại biểu; rà soát các luật Đấu thầu, luật Đầu tư công, tránh chồng chéo với các luật liên quan; các điều cấm trong hoạt động xây dựng cũng cần rà soát phù hợp với thực tiễn…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chỉ số giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng tăng 39 bậc
Chỉ số giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng tăng 39 bậc

VOV.VN -Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2013, công tác cấp phép và quản lý xây dựng có chuyển biến tích cực.

Chỉ số giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng tăng 39 bậc

Chỉ số giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng tăng 39 bậc

VOV.VN -Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2013, công tác cấp phép và quản lý xây dựng có chuyển biến tích cực.

Bộ Xây dựng đề nghị dừng cấp phép khu đô thị mới
Bộ Xây dựng đề nghị dừng cấp phép khu đô thị mới

VOV.VN -Bộ này cũng đề nghị không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại trong năm 2014.

Bộ Xây dựng đề nghị dừng cấp phép khu đô thị mới

Bộ Xây dựng đề nghị dừng cấp phép khu đô thị mới

VOV.VN -Bộ này cũng đề nghị không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại trong năm 2014.